Kinh nghiệm ôn tập và làm bài thi THPT quốc gia khối C

BP – Còn hơn 1 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia 2016 chính thức bắt đầu. Nhằm giúp học sinh ôn tập và làm bài tốt 3 môn xã hội trong kỳ thi sắp tới, các giáo viên Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) đã chia sẻ một số kinh nghiệm hay.

Còn hơn 1 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia 2016 chính thức bắt đầu. Nhằm giúp học sinh ôn tập và làm bài tốt 3 môn xã hội trong kỳ thi sắp tới, các giáo viên Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) đã chia sẻ một số kinh nghiệm hay.

Thí sinh cần nắm vững nội dung tổng quát từng giai đoạn lịch sử 

Trong ảnh: Cô Phạm Lê Trang Đài ôn tập cho học sinh lớp 12

Không học tủ, học vẹt

Là người có thâm niên trong giảng dạy, luyện thi và chấm thi, cô Cao Thị Hoan, Tổ trưởng tổ Văn, Trường THPT chuyên Quang Trung cho rằng, để ôn tập và làm bài tốt, trước hết các em nên tham khảo đề thi THPT quốc gia năm 2015 để biết cấu trúc đề. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT ra đề theo hướng mới: Khuyến khích phát triển tư duy, năng lực, sáng tạo của học sinh với 4 điểm, còn lại là kiến thức trong chương trình học. Vì vậy, để làm tốt bài thi, học sinh cần huy động nhiều kiến thức, kỹ năng.

Cấu trúc đề môn Văn gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Phần đọc hiểu, yêu cầu học sinh nắm bản chất câu hỏi, tức là đọc hiểu 1 văn bản dạng nghị luận, nghệ thuật, chính luận… Để làm được, học sinh cần huy động tất cả kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt. Ở phần này chỉ cần thiếu sót 1 ý là mất điểm, vì câu hỏi nhỏ lẻ nên các em phải đọc kỹ đề, hiểu thấu đáo; thuộc và nắm vững kiến thức, như: Phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ nhưng tránh nhầm lẫn.

Làm văn gồm 2 phần: Nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học. Nhiều năm qua, kiểu câu hỏi phần nghị luận xã hội thường ra theo hướng mở tạo hứng thú cho thí sinh, vì cập nhật những vấn đề thời sự, xã hội nóng hổi, thu hút sự quan tâm cũng như tạo các ý kiến trái chiều trong dư luận. Để tránh lan man, dài dòng khi làm câu này, các em cần xác định đúng vấn đề bàn luận, hệ thống ý triển khai, bố cục mạch lạc, chặt chẽ. Phần nghị luận văn học (4 điểm), chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 nên thí sinh cần nắm vững, huy động kiến thức, tránh học tủ, học vẹt.

Nắm vững nội dung tổng quát từng giai đoạn

Môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia là môn tự chọn và luôn khiến học sinh cảm thấy khó khăn, vất vả do bài học có quá nhiều thông tin, dữ liệu khó nhớ. Theo thống kê, trong tổng số 9.060 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016, Bình Phước chỉ có 1.359 thí sinh đăng ký dự thi môn Sử, thậm chí có trường không có bất kỳ thí sinh nào đăng ký dự thi môn này.

Với hàng chục năm kinh nghiệm đứng lớp, giảng dạy, ôn luyện môn Sử, cô Phạm Lê Trang Đài cho rằng, so với kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây thì kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” đề thi nặng hơn. Cấu trúc đề gồm 3 hoặc 4 câu, xuyên suốt quá trình lịch sử từ năm 1919 đến năm 2000 (gồm cả lịch sử thế giới và Việt Nam), thể hiện tính phân hóa theo từng cấp độ khác nhau, từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao. Phần nhận biết, thông hiểu chiếm 6 điểm, còn lại là 4 điểm. Nhận biết, thông hiểu không phải là học thuộc lòng mà phải hiểu thấu đáo vấn đề. Ngày nay, đề thi thường ra các câu hỏi dạng mở, chú ý nhiều hơn đến việc đánh giá năng lực học sinh, từ kiến thức đã học vận dụng, liên hệ vào thực tế hiện nay. Bài viết cần có trọng tâm, ngắn gọn, tránh tràn lan “thừa mà thiếu”.

Về cách học, cô Trang Đài cho rằng, học sinh cần nắm được nội dung tổng thể của từng giai đoạn lịch sử, sau đó mới đi vào thông tin chi tiết và quan trọng nhất là phải hiểu được mấu chốt của vấn đề ở mỗi phần là gì.

Sử dụng triệt để Atlat Địa lý Việt Nam

Kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” năm 2015, trong 3 môn khối C thì môn Địa lý, Trường THPT chuyên Quang Trung do thầy Nguyễn Xuân Sáng giảng dạy, ôn luyện đạt điểm cao nhất, bình quân đạt 9,26. Thầy Sáng cho biết: Để làm bài tốt môn Địa, trước hết thí sinh phải tìm hiểu cấu trúc đề thi. Đề gồm 4 câu, trong đó 2 câu đầu (4 điểm) là phần địa lý dân cư, tài nguyên Việt Nam cộng với Atlat. Phần này yêu cầu đơn giản, dễ lấy điểm, khi ôn tập giáo viên nên chỉ cho các em hiểu và biết không cần khai thác sâu. Câu 3 (3 điểm), kỹ năng vẽ biểu đồ trên bảng số liệu cho sẵn, không yêu cầu học sinh nhận dạng mà yêu cầu những lỗi sai sót khi vẽ, biết kỹ năng nhận xét, giải thích biểu đồ. Câu 4 (3 điểm), liên quan đến địa lý kinh tế ngành, vùng nước ta, câu hỏi thường đặt ra là: Vì sao, tại sao hoặc giải thích. Vì vậy, yêu cầu học sinh phải nắm được nền tảng cơ bản trong sách giáo khoa, ngoài ra cập nhật những vấn đề thời sự hằng ngày.

Những năm gần đây, cuốn tài liệu duy nhất được đem vào phòng thi là Atlat Địa lý Việt Nam. Sử dụng Atlat để làm được tất cả 4 câu hỏi trong đề thi nên tận dụng triệt để. Vì vậy, trong ôn tập giáo viên nên giới thiệu kỹ từng nội dung, sử dụng thuần thục Atlat cho học sinh.

Về kỹ năng làm bài thi, thầy Sáng cho rằng không cần viết dài nên gạch đầu dòng, gọn gàng, sáng ý. Vẽ biểu đồ cần bảo đảm thẩm mỹ, chính xác, khoa học… Năm đầu thí điểm nên kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đề thi dễ hơn, nhưng năm nay có thể khó hơn, nhất là phần vận dụng và vận dụng cao.

Vũ Thuyên (Báo Bình Phước)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *