Một số cụm từ thường bị dùng chưa đúng

(GD&TĐ) – Hiện nay nhiều người (kể cả một số cơ quan truyền thông) thường dùng sai (hoặc chưa chính xác) một số từ ngữ, chẳng hạn:

1. Phụ huynh học sinh: Từ này là mang đậm chất phong kiến, vì nó bỏ qua vai trò người mẹ (phụ: cha, huynh: anh). Luật GD (cả luật 1998 và luật 2005) cùng các văn bản hướng dẫn không dùng từ này để thay thế cho từ cha mẹ học sinh.

2. Hội cha mẹ học sinh (hoặc Hội phụ huynh học sinh).

Điều 96 của Luật GD 2005 qui định:
“Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học ở GDMN, GDPT; do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục”.. Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, ban hành theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 28/3/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Không có văn bản pháp luật nào qui định trong trường học hiện nay có Hội cha mẹ học sinh hoặc Hội phụ huynh học sinh (Hội cha mẹ học sinh đã không được thành lập ở các trường học cách đây gần chục năm)

3. Môn Anh văn: Ngay cả một số giáo viên Tiếng Anh phổ thông cũng nói môn dạy của mình là môn Anh văn. Trong khi các văn bản pháp qui của Bộ GD&ĐT (chương trình, SGK, sách hướng dẫn giảng dạy,…) đều ghi rõ là môn Tiếng Anh từ vài chục năm nay.

4. Bậc tiểu học: Từ này chỉ đúng với Luật GD năm 1998, còn theo Luật GD năm 2005 thì sai.

Theo Luật GD năm 1998 thì GDPT gồm bậc tiểu học và bậc trung học; bậc trung học gồm có cấp THCS và cấp THPT. Theo Luật GD năm 2005 thì GDPT có 3 cấp học là tiểu học, THCS và THPT. Vậy phải gọi là cấp tiểu học.

5. Cấp học mầm non: Theo Điều 4 Luật GD năm 2005 thì giáo dục mầm non có 2 cấp học là nhà trẻ và mẫu giáo. Nhưng Điều 1 của Quyết định 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015” lại ghi: “giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân”. Vì Luật GD có hiệu lực pháp lý cao hơn nên ta phải theo cách gọi của Luật GD (gọi là bậc mầm non, các văn bản liên quan của Bộ GD&ĐT cũng gọi theo cách này).

6. Hiệu phó: Kể từ khi có Điều lệ trường phổ thông (do Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình ký năm 1979) thì từ này không dùng nữa và được thay bằng từ Phó Hiệu trưởng (Phó: giúp việc). Gọi như vậy chính xác hơn vì theo Điều lệ trường học thì Phó Hiệu trưởng là người giúp việc cho Hiệu trưởng.

7. Ban giám hiệu: Từ này dùng từ thời chống Pháp đến năm 1979. Theo Điều lệ trường phổ thông (năm 1979) thì trong trường phổ thông không có Ban giám hiệu (hiệu: nhà trường) mà chỉ có Hiệu trưởng và người giúp việc cho Hiệu trưởng là Phó Hiệu trưởng. Nhà trường thực hiện chế độ thủ trưởng (khác với chế độ lãnh đạo theo Ban là quyết định theo đa số).

Song kể từ khi có Luật GD năm 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành thì từ này được dùng lại (với nghĩa được hiểu là tập hợp gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng ở một trường học), BGH không thực hiện chế độ lãnh đạo theo Ban (thiểu số phục tùng đa số, như các Ban chấp hành của các tổ chức, đoàn thể). Các Điều lệ nhà trường mới ban hành cũng dùng từ này.

8. Ban chấp hành (BCH) Đảng ủy, BCH Huyện ủy: Theo Điều lệ Đảng thì BCH Đảng bộ gọi tắt là Đảng ủy, BCH Đảng bộ huyện gọi tắt là Huyện ủy. Như vậy cách gọi trên thừa từ BCH.

9. Tối ưu nhất: Tối có nghĩa là hơn hết, là nhất rồi (ví dụ: Tối đa là nhiều nhất, tối cao là cao nhất,…), lại thêm chữ nhất vào là thừa.

10.. Cứu cánh: Từ này có nghĩa là mục đích cuối cùng (từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ học – NXB Đà Nẵng – 2002). Từ cứu ở đây có nghĩa là cuối cùng (ví dụ: Nghệ thuật là phương tiện, không phải là cứu cánh); song nhiều người hiểu lầm nên đã dùng sai (vídụ: Doanh nghiệp là cứu cánh cho nền kinh tế – thời sự VTV1 sáng 31/8/2009)

Ngoài những từ kể trên, trong các cuộc họp và trong đời sống hàng ngày ta thường thấy nhiều người nói tham quan thành thăm quan, vô hình trung thành vô hình chung hoặc vô hình dung, bàng quan thành bàng quang (là cái bọng…..nước tiểu), sáp nhập thành sát nhập, trung học phổ thông thành phổ thông trung học, chín muồi thành chín mùi, mạn tính thành mãn tính, hợp chúng quốc thành hợp chủng quốc, Buôn Ma Thuột thành Buôn Mê Thuột hoặc Ban Mê Thuột; điểm yếu thành yếu điểm…

Theo báo Giáo dục & Thời đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *