Học Văn để làm Người

Mỗi tiết dạy đầu tiên khi bắt đầu tiếp quản một lớp học, câu đầu tiên tôi thường hỏi các trò là:
– Theo em, học Văn để làm gì ?
Sau câu hỏi có vẻ bất ngờ. Một số em vẻ mặt lúng túng. Một số khác hớn hở. Và những cánh tay bắt đầu mạnh dạn giơ lên.
Một em trả lời:
– Thưa thầy, học Văn để biết đọc, biết viết cho chính xác ạ!
Như được tiếp thêm tự tin, nhiều em khác cũng hào hứng xung phong.
– Thưa thầy, học Văn để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học ạ! – Một em khác phát biểu.
– Thưa thầy, học Văn để biết giao tiếp, ứng xử ạ! – Một em khác tiếp lời.
Tôi gọi thêm một em nữa:
– Thưa thầy, học Văn để làm người tốt ạ!
Tôi kết luận: các em nói đều đúng cả, nhưng mỗi em chỉ mới nói được một khía cạnh của mục đích học môn Văn. Theo thầy, mục đích đầy đủ và cao cả nhất của việc học môn Văn đó là học để làm người.
Ai đó đã từng nói: “Học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân, có mắt có chân mới tiến bước được, có biết mới làm, có làm mới biết, cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất”. Học Văn cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Như vậy nói Học Văn để làm người tức là nhấn mạnh vào khả năng vận dụng, thực hành những kĩ năng, kiến thức của môn Văn đã học được vào trong thực tế cuộc sống, để phục vụ cho cuộc sống. Học phải đi đôi với hành.
Bất cứ ai, từ một người nông dân, đến một chính trị gia, từ một bác lái xe đến một người bác sĩ, từ một nhà buôn, đến một kiến trúc sư… đều cần có sự phục vụ của văn học trong cuộc sống của mình. Bởi lẽ ai cũng phải nói, phải đọc, phải giao tiếp, ứng xử, phải rèn luyện đạo đức, nhân cách… Tất cả những điều đó là sứ mệnh của bộ môn Ngữ văn.
Một người nông dân không biết đọc, biết viết thì khó có thể tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để áp dụng vào công viêc nhà nông của mình và chắc chắn năng suất lao động sẽ không cao.
Một ông giám đốc, đứng trước nhân viên mà nói năng ấp a ấp úng, “đánh vật” với chữ nghĩa thì mất hết uy tín với người dưới.
Một người bác sĩ không có đạo đức, nhân cách sẽ dễ dàng bán rẻ lương tâm, coi người bệnh như “con bệnh”, “con mồi” để ra sức nhũng nhiễu, hành hạ, để nhét cho đầy túi tham.
Một vị chủ tịch nước, đứng trước hàng triệu học sinh, đọc một bức thư chúc mừng khai giảng năm học mới mà chẳng có ngữ điệu, không lên bổng xuống trầm, cứ đều đều như cơm nguội thì mất hết khí thế của ngày bắt đầu năm học mới…
Trong những mục đích của việc học Văn có lẽ mục đích giáo dục đạo đức, nhân cách, tư tưởng và lối sống cho con người là quan trọng nhất. Văn học không dạy đạo đức, tư tưởng một cách khô khan mà qua những hình tượng văn học giàu hình ảnh, cảm xúc. Cứ mỗi cấp học bài học đạo đức, lối sống lại được nâng lên một tầm mới để phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm hồn của học sinh. Chuyện Bó đũa dạy người học biết đoàn kết, chia sẻ; bài thơ Thương ông giúp người học biết yêu thương gia đình, người thân; truyện cổ tích Tấm Cám dạy người học biết ăn ở hiền lành, tránh xa cái ác, cái xấu; Truyện Kiều của Nguyễn Du giúp bồi dưỡng lòng nhân đạo; học Chí Phèo của Nam Cao để luôn giữ lấy bản chất lương thiện dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu lại là những chiêm nghiệm quý giá về cách nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc đời….
Những bài học đạo đức, lối sống ấy, tưởng chừng đơn giản nhưng không phải người học nào cũng biết vận dụng vào cuộc sống. Cho nên bên cạnh những người thực sự hiểu được sứ mệnh cao cả của văn chương, trân trọng những giá trị quý giá của văn chương, biết sống thực sự “Văn” để hướng tới Chân – Thiện – Mĩ thì đâu đó vẫn còn những bước chân lạc lối trên con đường đi tới tương lai.
Có những học sinh “miệng thề xoen xoét”, “hứa sống hứa chết” với cha mẹ, thầy cô sẽ cố gắng học tập, chăm ngoan nhưng sau lưng luôn tìm cách trốn học để lang thang quán xá, chúi đầu vào những trò chơi vô bổ trong những quán Game, quán Internet.
Có những học sinh viết những bài văn rất hay, rất xúc động nhưng giao tiếp, ứng xử với thầy cô, bạn bè và những người xung quanh lại chẳng ra gì. Ở nhà thì lừa cha dối mẹ, lên lớp thì dối thầy lừa bạn. Dùng cái vẻ ngoài hào nhoáng để cố tình che đậy bản chất thật sự bên trong…
Đó là những “Cám”, những “Lí Thông”, những “Xuân Tóc Đỏ”… bằng xương bằng thịt của cuộc đời. Đó mới thực sự là những người học Văn kém nhất, tồi nhất.
Hiện nay, đa số học sinh chưa thích học môn Văn bởi nhiều lí do, trong đó tâm lí của người học Văn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng. Trước khi vào lớp học một tiết Văn, đừng nghĩ rằng mình sắp bị hành hạ bởi những kiến thức nặng nề, bằng những ngôn từ sáo rỗng mà hãy nghĩ đơn giản: mình sắp được học để làm Người.

Lưu Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *