MỘT SỐ KINH NGHIỆM SỬ DỤNG PHẦN MỀM POWERPOINT THEO TINH THẦN DẠY VÀ HỌC TÍCH CỰC TRONG GIẢNG DẠY ĐỊA LÍ 10

“Giáo dục không nhằm mục tiêu nhồi nhét kiến thức mà là thắp sáng niềm tin”
(Education is not the filling of a pail, but the lighting of a fire) – W. B. Yeats –
Đổi mới phương pháp dạy học trong những năm gần đây đã trở thành vấn đề cấp thiết. Sự phát triển của nền giáo dục đòi hỏi phải đổi mới cách giảng dạy để đào tạo thế hệ trẻ một cách toàn diện, phù hợp với các yêu cầu thực tiễn của xã hội. Muốn đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả, ngoài việc đổi mới nội dung chương trình, cần phải chống lại thói quen học tập thụ động, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học.
Phương pháp dạy học tích cực đã được sử dụng ở nhiều nước và đem lại hiệu quả cao cho hoạt động giảng dạy. Điều 24.2 của Luật Giáo dục Việt Nam đã khẳng định: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngành giáo dục càng có nhiều cơ hội khai thác tính tối ưu của các phần mềm để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học. Trong đó, phần mềm PowerPoint có vai trò vô cùng quan trọng và đã đem lại những kết quả tích cực. Sử dụng phần mềm PowerPoint đang là xu hướng phổ biến trong giáo dục nhờ sự tiện ích, hiệu quả và kinh tế của nó. Trong môn Địa Lí, PowerPoint đã và đang đem lại những tiết dạy sinh động, hiện thực hóa thế giới tự nhiên, xã hội vô cùng phong phú và đa dạng.
Với nhiều tính năng nổi trội (tạo và trình diễn bài giảng; hỗ trợ chỉnh sửa văn bản, âm thanh, hình vẽ; kết nối dễ dàng với các phần mềm khác; hiệu ứng sinh động,…) PowerPoint đã làm cho bài giảng trở nên hấp dẫn hơn. Nó giúp ta mô phỏng được các quá trình khó có thể tiến hành hay quan sát ngoài thực tiễn. Không những vậy, tính tương tác cao của sản phẩm còn giúp ta đánh giá được mức độ hiểu bài cũng như phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh và tăng cường mối liên kết giữa hoạt động dạy và học. Chính vì vậy trong những năm gần đây, nhiều trường đại học (Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,…) đã đưa PowerPoint vào trong chương trình đào tạo cho sinh viên, đặc biệt là các sinh viên chuyên ngành Địa Lí học.
Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng phần mềm PowerPoint trong dạy học thường gặp một số khó khăn như: thiếu các tư liệu, kĩ năng tin học của giáo viên và cơ sở vật chất kĩ thuật còn hạn chế, kinh nghiệm sử dụng phần mềm chưa nhiều nên mắc phải nhiều sai sót (về kĩ thuật tin học lẫn phương pháp giảng dạy) nên không phát huy được sự tích cực của học sinh, hiệu quả dạy học không cao,… Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến mỗi năm giáo viên cố gắng thực hiện một vài giáo án điện tử để thao giảng còn phần lớn giờ dạy lại quay về với phấn trắng và bảng đen.
* Mục đích sử dụng phần mềm powerpont theo tinh thần dạy và học tích cực
– Trợ giúp cho giáo viên trong việc hướng dẫn học sinh học kiến thức mới, rèn luyện kĩ năng, giảm tính trừu tượng của kiến thức, kích thích sự hứng thú học tập của học sinh.
– Tạo điều kiện cần thiết cho học sinh thực hành để hình thành và rèn luyện các kĩ năng.
– Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
– Hỗ trợ giáo viên trong việc nâng cao kiến thức, kĩ năng, thiết kế bài học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm có hiệu quả hơn.
Ngày nay, phần mềm PowerPoint có vai trò to lớn trong giảng dạy nói chung và dạy học địa lí nói riêng, đặc biệt là việc dạy học Địa lí theo tinh thần dạy và học tích cực. Vai trò của nó được biểu hiện ở các mặt cụ thể sau:
* Giúp cho học sinh thông hiểu, nắm vững kiến thức địa lí
Phần mềm PowerPoint có khả năng trình bày các nội dung mang tính chất khái niệm dưới hình thức ảnh kết hợp với âm thanh theo một trình tự liên kết hữu cơ, nhờ đó học sinh có thể hiểu được cơ cấu, quy luật hoạt động, các khái niệm cơ bản,… để từ đó nắm vững được những kiến thức địa lí khác nhau.
* Giúp cho học sinh ghi nhớ kiến thức lâu bền hơn
Phần mềm PowerPoint tác động trực tiếp vào thị giác và thính giác trong quá trình lĩnh hội kiến thức sẽ giúp cho học sinh ghi nhớ kiến thức lâu bền hơn. Từ thực nghiệm, khoa học đã chứng minh các mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh trong quá trình học tập qua các con đường cảm giác với sự hỗ trợ của phương tiện dạy học có sự khác nhau như sau:

Bảng 1: Mức độ tiếp thu kiến thức qua các con đường cảm giác khác nhau
PHƯƠNG THỨC TIẾP THU MỨC ĐỘ TIẾP THU
Vị giác 1%
Khứu giác 3,5%
Thị giác 83%
Xúc giác 1,5%
Thính giác 11%

Bảng 2: Mức độ ghi nhớ kiến thức bằng các con đường cảm giác khác nhau
PHƯƠNG THỨC GHI NHỚ MỨC ĐỘ GHI NHỚ
Thị giác 30%
Thính giác 20%
Thính giác và thị giác 50%

Bên cạnh đó, theo kết luận của những cuộc khảo sát trong giáo dục nếu học sinh chỉ nghe giảng thì nhớ bài chỉ có 5%, đọc 10%, nghe và nhìn 20%, thảo luận nhóm 50%, làm bài tập ở nhà, ghi và viết lại 75% , tường thuật và hướng dẫn lại người khác hơn 90%.
Như vậy, từ các kết quả nghiên cứu này nói lên tác dụng to lớn của các phương tiện nghe nhìn, trong đó có phần mềm PowerPoint, đối với sự tiếp thu và ghi nhớ kiến thức của học sinh.
* Góp phần làm gia tăng, khắc sâu những kinh nghiệm trực tiếp giúp cho việc học tập của học sinh thêm phong phú và sâu rộng hơn
Muốn nhận thức được bản chất quy luật của một đối tượng nào đó, trước hết cần phải có những kinh nghiệm trực tiếp. Kinh nghiệm trực tiếp có được nhờ quá trình quan sát, nghiên cứu, làm thí nghiệm… Thế nhưng, những kinh nghiệm học sinh trực tiếp lĩnh hội được ở trường về môn địa lí còn rất nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập môn địa lí. Trong trường hợp này, phần mềm PowerPoint có thể bổ sung cho sự thiếu hụt của kinh nghiệm trực tiếp đó bằng kinh nghiệm gián tiếp. Nhờ phần mềm PowerPoint, học sinh có thể quan sát gián tiếp được những đối tượng, hiện tượng địa lí không thể quan sát được do kích thước quá nhỏ hoặc quá lớn, học sinh có thể tiếp cận được với những đối tượng, hiện tượng phân bố ở những vùng lãnh thổ xa xôi, không thể đi đến được. Nhờ các hiệu ứng trình diễn của phần mềm PowerPoint, học sinh còn có thể quan sát được cả những hiện tượng, quá trình diễn ra quá nhanh hoặc quá chậm, không kịp quan sát trong thực tế.
* Góp phần hình thành và nâng cao khả năng quan sát, tự nghiên cứu của học sinh
Với tính năng kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh dưới hình thức chuyển động, PowerPoint có khả năng trực tiếp trình bày nội dung kiến thức cơ bản của các đối tượng nghiên cứu dưới dạng hệ thống hoá, khái quát hoá, đơn giản hoá những đối tượng hiện tượng phức tạp, muôn hình muôn vẻ về địa lí tự nhiên và kinh tế – xã hội, tạo điều kiện để học sinh quan sát, độc lập suy nghĩ, tiến hành phân tích, tổng hợp, so sánh, phán đoán,… trên cơ sở đó tự phát hiện kiến thức, nắm kiến thức một cách vững chắc hơn.
* Góp phần nâng cao hiệu quả dạy học, phát huy tác dụng của nhiều hình thức dạy học khác nhau
Với thời lượng nhất định, PowerPoint trình bày nội dung kiến thức một cách tối ưu thông qua những hình ảnh, với các cảnh thật, người thật, các biểu bảng, sơ đồ, bản đồ, chữ viết, những tiếng động thật kết hợp với âm nhạc và những lời thuyết minh sống động sẽ giúp nhịp độ giới thiệu tài liệu được gia tăng, dành thêm nhiều thời gian cho giáo viên tổ chức các hoạt động nhận thức của học sinh.
PowerPoint không những ghi lại các đối tượng nghiên cứu một cách trung thực, sống động bằng hình ảnh và âm thanh phối hợp với đặc trưng từng môn học mà còn kèm theo những lời thuyết minh, giải thích, bình luận, hướng sự tập trung chú ý của học sinh vào những vấn đề trọng tâm của nội dung bài học. Do đó, PowerPoint có thể phát huy tác dụng trong nhiều hình thức và phương pháp dạy học khác nhau như hình thức dạy học cả lớp, hình thức học tập nhóm, hình thức học tập cá nhân, …
* Góp phần bồi dưỡng tình cảm cho học sinh
Nội dung trong các bài giảng PowerPoint không chỉ giới thiệu các đối tượng nghiên cứu một cách hữu hiệu mà còn thông qua các hình ảnh về đất nước, con người với các hoạt động sản xuất và sinh hoạt kèm theo những lời giải thích, bình luận giúp học sinh có thể tự mình khám phá ra những giá trị về văn hoá, xã hội của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, góp phần bồi dưỡng tình cảm cho học sinh.
Từ các vai trò trên ta có thể khẳng định phần mềm PowerPoint hoàn toàn có thể thực hiện được mục đích của việc dạy và học theo tinh thần tích cực.
Một số lưu ý khi sử dụng phần mềm phần mềm PowerPoint
Sử dụng máy tính để dạy học là một trong những hướng thay đổi phương pháp dạy học trong nhà trường hiện nay. Trong đó, việc giảng dạy bằng phần mềm PowerPoint đang được nhiều giáo viên thực hiện. Đương nhiên, không phải và cũng không cần thiết biến mọi tiết dạy trở thành giờ học bằng máy tính, cho dù ở trường nào đó có đủ khả năng về cơ sở vật chất. Mỗi giáo viên cần chọn tiết học sao cho nếu đưa nó lên trang trình chiếu PowerPoint thì sẽ tận dụng được tối đa ưu việt của máy tính về phương diện cung cấp thông tin cho người học, về tính hấp dẫn của bài giảng, chí ít cũng có hiệu quả hơn bài giảng với bảng viết thông thường. Cần tránh việc chạy theo phong trào để rồi bài giảng thiếu chất lượng, lạm dụng các hiệu ứng trong phần mềm PowerPoint làm học sinh bị phân tán sự chú ý, không ghi chép được và không thu nhận được các kiến thức quan trọng.
Tiêu chí của bài giảng không giống như những bài thuyết trình, bản báo cáo. Đối tượng dạy học lại hoàn toàn không như các đối tượng trong hội nghị, hội thảo. Cho nên, việc chuẩn bị một bài giảng bằng PowerPoint cần đảm bảo không những về nội dung (mang tính khoa học) mà còn phải đặt mạnh tiêu chí về tính sư phạm. Tính sư phạm ở đây bao gồm: sự phù hợp về mặt tâm sinh lí học sinh, sự thẩm mĩ của trang trình chiếu, sự thể hiện nhuần nhuyễn các nguyên tắc dạy học và các phương pháp dạy học. Vì vậy, người giáo viên muốn sử dụng PowerPoint để dạy học có hiệu quả thì không những phải có kiến thức tối thiểu về phần mềm này mà còn cần phải có kiến thức sư phạm, lí luận dạy học và các phương pháp dạy học tích cực.
Những lỗi thường gặp của giáo viên khi sử dụng phần mềm PowerPoint:
– Sử dụng màn hình không hợp lí trong việc bố trí chữ (viết quá nhiều gây khó nhìn hoặc viết quá ít nên phải lật trang liên tục), kích cỡ chữ không phù hợp và không nhất quán trong trình bày.
– Lạm dụng các hiệu ứng màu sắc, âm thanh,… làm học sinh mất tập trung vào bài giảng.

Để đảm bảo một bài giảng bằng PowerPoint có chất lượng cần đạt các yêu cầu cơ bản sau:
– Về nội dung trang trình chiếu: Chọn lọc các thông tin có ý nghĩa, nội dung quan trọng nhất của bài học. Trên trang trình chiếu phải thể hiện được cả các phương pháp dạy học, đảm bảo tính liên tục của nội dung bài giảng từ trang này sang trang khác để học sinh dễ dàng theo dõi, ghi chép.

– Về hình thức trang trình chiếu:
+ Bố cục các trang trình chiếu sao cho học sinh dễ theo dõi, ghi chép bài
+ Mang tính thẩm mĩ để kích thích sự hứng thú học tập,vừa giáo dục được học sinh.
+ Cỡ chữ phù hợp với số lượng người học, quá lớn thì loãng thông tin, quá nhỏ thì người cuối lớp không nhìn thấy. Thông thường dùng cỡ chữ 24 hoặc 28 là vừa. Giáo viên nên sử dụng cỡ chữ, kiểu chữ, màu chữ thống nhất theo từng loại đề mục của bài học. Cỡ chữ ghi nội dung cụ thể nhỏ hơn các đề mục. Nếu chữ viết trong một trang chỉ có một màu duy nhất, học sinh sẽ rất nhàm chán – ngoại trừ trường hợp trên trang đó chỉ chứa một loại nội dung duy nhất như một đoạn trích, một câu hỏi thảo luận. Ngược lại, sử dụng quá nhiều màu sắc trong một trang hoặc trong một bài giảng sẽ làm cho học sinh không tập trung vào nội dung bài học. Giáo viên nên dùng từ 2 đến tối đa 5 màu, phân phối hợp lí thì trang trình chiếu sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Ví dụ: Dùng một màu chính xuyên suốt cho nội dung khoa học của bài học, một vài màu nổi hơn cho các đề mục và một màu khác để làm nổi bật các ý quan trọng. Giáo viên nên chú ý các đề mục có vai trò ngang nhau thì phải có màu giống nhau (cỡ chữ, kiểu chữ cũng giống nhau). Thông thường, người ta dùng màu đỏ để làm nổi bật các ý quan trọng. Khoa học đã chứng minh rằng trong 3 màu cơ bản thì số tế bào thần kinh cảm nhận màu đỏ chiếm khoảng 64% võng mạc, số tế bào thần kinh cảm nhận màu lục là 34% và màu xanh đậm là 2%. Các Font chữ hay dùng là Times New Roman và Arial vì chúng biểu hiện chữ rõ ràng, một cách nghiêm túc và thường được mặc định trong phần mềm. Tên bài nên dùng WordArt để tăng tính thẩm mĩ.
+ Cần chú ý thêm về màu nền, số dòng trên một slide,…
+ Cố gắng tận dụng kĩ thuật trong phần mềm (nhưng không cần thiết quá cầu kì) để thể hiện tính sư phạm của bài giảng. Đặc sắc của phần mềm PowerPoint là sự phong phú của các hiệu ứng (các kiểu cho xuất hiện trang trình chiếu – Animation Schemes, các kiểu xuất hiện chữ, hình – Custom Animation ..). Song sử dụng chúng cũng tùy trường hợp, nhất là các kiểu xuất hiện chữ. Giáo viên cần hạn chế sử dụng các hiệu ứng “quay lộn”, “bay nhảy”. Các kiểu xuất hiện chữ (Custom Animation) nên sử dụng hạn chế ở một vài hiệu ứng như: Box, Diamond, Rise up, Ease In hoặc những chức năng tương tự. Giáo viên chú ý cho thực hiện nhanh để không mất thời gian và gây nhàm chán (chọn Fast hoặc Very Fast trong ngăn Speed).

– Sử dụng phần mềm PowerPoint kết hợp các hoạt động dạy và minh họa: Đây là một ưu thế của phần mềm PowerPoint mà chiếc bảng thông thường không thể làm được. Trong bài giảng có sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, giáo viên cần mở rộng nội dung ra thực tế (bằng hình ảnh, phim), cập nhật thông tin hoặc chèn các câu hỏi, hướng dẫn thảo luận,… trong khi vẫn phải để nội dung bài giảng trên trang PowerPoint để học sinh dễ theo dõi và ghi được bài. Giáo viên thực hiện điều này bằng nhiều cách như: dùng liên kết (Hyperlink), chèn tư liệu bằng các hiệu ứng xuất hiện và xóa đi,… Hiện nay, tại nhiều trường học có thể vừa kết hợp sử dụng phần mềm PowerPoint lại vừa sử dụng bảng đen trong quá trình giảng dạy. Điều này sẽ phát huy tối đa hiệu quả của bài giảng, học sinh có thể liên hệ thực tiễn (qua các hình ảnh, bản đồ, sơ đồ, phim,… ở PowerPoint) mà vẫn có thể ghi chép và xem lại các nội dung chính của bài học (do giáo viên ghi ở bảng đen).
* Quy trình sử dụng phần mềm PowerPoint theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh
Nếu sử dụng phần mềm PowerPoint với các phương pháp dạy học không phù hợp sẽ không phát huy ưu điểm của phương tiện mà tiết học sẽ nhàm chán, không hiệu quả. Khi đó, phần mềm chỉ đơn thuần trở thành một chiếc bảng điện tử để chiếu nội dung bài giảng cho học sinh chép. Giáo viên không nên dùng PowerPoint như là một phương tiện trình chiếu cho kênh chữ hoặc minh họa cho lời giảng của mình mà phải biết cách hướng dẫn học sinh tự khai thác kiến thức, rèn luyện kĩ năng, phát huy tính tích cực của các em.
Phương pháp giảng dạy được gọi là tích cực nếu hội tụ được các yếu tố cơ bản sau:
– Thể hiện rõ vai trò của người học (học sinh là trung tâm), vai trò của các mối tương tác trong quá trình học (giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh).
– Phát huy hiệu quả các nguồn thông tin, thúc đẩy động cơ học tập của người học.
– Thể hiện rõ được bản chất và mức độ kiến thức cần huy động.
– Học để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai. Những điều đã học cần thiết, bổ ích cho bản thân học sinh và cho sự phát triển xã hội.
Như vậy, để sử dụng phần mềm PowerPoint theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, giáo viên có thể tiến hành qua các cấp độ từ thấp lên cao như sau:
– Bắt chước: học sinh gắng sức làm theo mẫu hành động của giáo viên, của bạn học,…
– Tìm tòi: học sinh độc lập giải quyết vấn đề nêu ra, tìm kiếm cách giải quyết khác nhau về một số vấn đề…
– Sáng tạo: học sinh tìm ra cách giải quyết mới, độc đáo, hữu hiệu.
Khi soạn và giảng dạy bằng phần mềm PowerPoint, giáo viên cần phải chú ý:
– Tính định hướng (tương ứng với hoạt động đặt nhiệm vụ học tập cho học sinh): Đây là phần hết sức cần thiết trong mỗi bài giảng. Giáo viên cần làm cho học sinh nắm chắc các mục đích, yêu cầu cơ bản của bài học. Sau đó, giáo viên cho học sinh biết các đề mục chính trong bài, các đề mục này có thể ghi lên bảng để học sinh tiện theo dõi.
– Tính vận dụng: Giáo viên xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở, các tình huống có vấn đề với từng hình thức tổ chức phù hợp, linh hoạt (học cá nhân, học đôi bạn, học theo cả nhóm, cả lớp) để giúp HS tự hoàn thiện từng đơn vị kiến thức của bài học.
– Tính củng cố: Giáo viên cần tổng kết lại bài học, đánh giá kết quả học tập của học sinh, chốt lại những ý chính của bài học đồng thời nêu lên những chú ý cần thiết về cách khai thác tri thức. Qua phần củng cố này, HS có thể tự kiểm tra, tự đánh giá và rút kinh nghiệm về cách học.
Việc sử dụng PowerPoint trong dạy học Địa Lí 10 đã đem lại những hiệu quả nhất định trong quá trình dạy học. Nó hỗ trợ giáo viên có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học. Tuy nhiên, chúng ta tránh lạm dụng nó, phải kết hợp với các phương pháp dạy học truyền thống lẫn các phương pháp dạy học hiện đại khác sao cho phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng học sinh. Nhìn chung, giáo viên không nên dùng PowerPoint để tạo cả một bài giảng (gồm cả kênh chữ lẫn kênh hình) vì nó tốn nhiều công sức thiết kế mà hiệu quả không cao. Giáo viên nên dùng nó để tạo ra các tư liệu rồi kết hợp với bảng đen để hoàn chỉnh một bài giảng.
Muốn ứng dụng tốt phần mềm này, giáo viên cần có kiến thức chuyên môn vững, có niềm đam mê môn Địa Lí cũng như có sự yêu thích trong việc sử dụng các phần mềm vi tính để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *