Cựu giáo viên và học sinh trường THPT chuyên Quang Trung góp sức xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xã hội ASEAN

Hội nghị quốc tế về doanh nghiệp xã hội (ICYL) 2015 tại Kuala Lumpur vừa qua với những hoạt động sôi động và bổ ích đã mở ra những triển vọng về sức trẻ ASEAN trong các doanh nghiệp xã hội, góp phần củng cố các mối quan hệ hợp tác và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững giữa các nước ASEAN. Có 01 cựu giáo viên và 01 cựu học sinh trường THPT chuyên Quang Trung đại diện cho thanh niên Bình Phước tham dự Hội nghị này.

10

Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam, Trưởng đoàn là anh Trần Quốc Duy (đứng thứ 2 từ trái sang) chụp hình lưu niệm cùng Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Wasitah Binti HJ. Mohd Yusof và các điều phối viên

Với chủ đề “Thay đổi cộng đồng thông qua các doanh nghiệp xã hội”, ICYL 2015 được chính phủ Malaysia tổ chức thông qua Viện nghiên cứu Thanh niên Malaysia (IYRES) cùng với sự phối hợp của các cơ quan phụ trách công tác thanh niên của các quốc gia thành viên và Ban Thư ký ASEAN.

Vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 10 bạn trẻ Việt Nam đã vinh dự “giành vé” tham gia Hội nghị cùng 290 đại biểu thanh niên các nước ASEAN, trong đó Doanh nghiệp xã hội Trần Quốc Duy – Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh Đoàn, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước – Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Úc châu với gần 1.200 học viên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn cử làm Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam.

Anh Quốc Duy từng là Tổ trưởng tổ tiếng Anh trường THPT chuyên Quang Trung, TX. Đồng Xoài. Anh từng tham gia khá nhiều chương trình giao lưu thanh niên quốc tế tại các nước bạn, tiêu biểu như: Tàu thanh niên Đông Nam Á năm 2008; Hội nghị thượng đỉnh kinh tế các thành phố Châu Á – Thái Bình Dương năm 2011; Diễn đàn thanh niên tiên phong ASEAN – Hàn Quốc năm 2013 trong vai trò là Trưởng đoàn Việt Nam; Liên hoan thanh niên Việt – Trung năm 2013; Diễn đàn thanh niên khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam năm 2014; Hội nghị doanh nhân trẻ ASEAN năm 2014…

Bạn trẻ thứ hai đến từ Bình Phước tham gia đoàn đại biểu Việt Nam lần này là  Nguyễn Thị Tuyết Anh- Cán bộ văn phòng JICA – TP. HCM. Sinh ra và lớn lên tại huyện Chơn Thành, Tuyết Anh là cựu học sinh lớp chuyên Anh – Trường THPT chuyên Quang Trung. Bạn từng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh các cấp và rất năng động trong công việc hiện tại.

Được biết, Tuyết Anh tình cờ nắm bắt thông tin về Hội nghị trên mạng xã hội facecook. Không một chút chần chừ, bạn nhanh chóng mạnh dạn nộp hồ sơ ứng tuyển với bề dày thành tích đáng nể trong các hoạt động xã hội và giao lưu quốc tế.

Chưa đầy 01 tuần sau, bạn nhận được kết quả thắng cuộc trong vòng chọn lọc hồ sơ, sau đó được Trung ương Đoàn phỏng vấn, kiểm tra kỹ năng tiếng Anh và chọn cử làm thành viên của Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị. Thế là không hẹn mà gặp, hai thầy trò trường THPT chuyên Quang Trung đã có dịp hội ngộ trong chuyến hành trình đầy thú vị trên đất Malaysia.

Diễn đàn trẻ đầy tính nhân văn

Với vai trò là Ban tổ chức, Viện nghiên cứu Thanh niên Malaysia (IYRES) đã thiết kế một chương trình Hội nghị tương đối dày, diễn ra tại Trung tâm thương mại quốc tế Putra, thủ đô Kuala Lumpur, vương quốc Malaysia nhằm giới thiệu đến thanh niên ASEAN những hiểu biết về doanh nghiệp xã hội, những thành tựu và đóng góp đầy ý nghĩa của các doanh nghiệp xã hội Malaysia, đặc biệt là các doanh nghiệp rất trẻ, chỉ ở tuổi đôi mươi trong việc hướng đến lợi ích của các “nhóm thấp” trong xã hội, gồm: người dân khó khăn, trẻ em cơ nhỡ, thanh niên yếu thế…

Ngài Datuk Seri Najib Tun Razak, Thủ tướng Malaysia nhận định: “Doanh nghiệp xã hội vẫn còn là một khái niệm mới đối với thanh niên Malaysia so với các nước phát triển khác trên thế giới. Tuy nhiên, tại đất nước của chúng tôi, một số doanh nghiệp xã hội gần đây đã đổi mới tầm nhìn và phương thức hoạt động, đề xướng sự phát triển bền vững dựa trên cơ sở bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra lợi nhuận để tự duy trì và phát triển.”

Thông điệp mà ICYL 2015 muốn gửi gắm đến 300 lãnh đạo trẻ tham dự chương trình chính là khát vọng hình thành cộng đồng doanh nghiệp xã hội ASEAN phát triển bền vững.

 “Tôi tin rằng các kiến thức về doanh nghiệp xã hội chắc chắn trở thành công cụ thiết yếu cho nền văn minh tiến bộ và sự thịnh vượng của nhân loại. Hội nghị lần này nhấn mạnh tầm quan trọng và sự nâng tầm doanh nghiệp xã hội thông qua tính chất bền vững, sự kết nối và kỹ năng trong văn hóa kinh doanh”, ngài Khairy Jamaluddin, Bộ trưởng Bộ thanh niên và thể thao Malaysia phát biểu.

ICYL 2015 hướng đến việc nghiên cứu doanh nghiệp xã hội như một mô hình kinh tế toàn cầu mới để mở ra những cơ hội cho thanh niên tham gia vào doanh nghiệp xã hội.

“Tham dự Hội nghị là cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam được hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, học thêm được những kiến thức quý giá về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội, xây dựng được ý thức hệ về văn hóa kinh doanh đậm tính nhân văn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, từ đó mang những trải nghiệm mới về phục vụ cho quê hương”, Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam Trần Quốc Duy nhiệt tình chia sẻ.

Sức trẻ ASEAN hội tụ

Thúc đẩy tình hữu nghị, tinh thần hợp tác cùng phát triển giữa các nước ASEAN, đặc biệt là sự tương tác và phối – kết hợp giữa thanh niên của các quốc gia trong khu vực thông qua việc hình thành cộng đồng doanh nghiệp xã hội cũng là mục tiêu của ICYL 2015.

Tham dự chương trình lần này, 300 đại biểu thanh niên và doanh nhân trẻ từ 10 nước ASEAN này đều là những bạn trẻ ưu tú đang học tập, công tác trong nhiều lĩnh vực có liên quan đến kinh doanh, một số đại biểu hiện đang là các doanh nghiệp ở các nước.

Thông qua các báo cáo chuyên đề, chương trình tọa đàm cùng các phiên thảo luận hết sức sôi nổi giữa các đại biểu, ICYL 2015 đã tìm được tiếng nói chung của thanh niên ASEAN qua các phần trình bày, đóng góp ý kiến về chủ đề doanh nghiệp xã hội và các vấn đề có liên quan trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu.

Điều đáng nói ở đây là hầu hết thanh niên các nước đều có những kiến thức, hiểu biết rộng về ASEAN và rất quan tâm đến chủ đề của Hội nghị. Tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận, các thanh niênASEAN đã thể hiện tinh thần trẻ trung trong đường hướng suy nghĩ, tích cực đề xuất các giải pháp nhằm phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp xã hội ở  khu vực, thể hiện cả bản sắc của dân tộc mình lẫn bản sắc ASEAN hướng đến thềm mốc ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.

Preciosa, nữ đại biểu đến từ Đại học Padjadjaran, Indonesia nhấn mạnh: “ASEAN sẽ trở thành một Cộng đồng vào ngày 31/12/2015. Những công dân trẻ ASEAN cần nắm bắt sự cần thiết của việc thiết lập mối dây liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa các nước ASEAN để duy trì, đẩy mạnh các mối quan hệ song phương và đa phương trên thế giới cũng như trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp xã hội, từ đó góp sức vào sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong cộng đồng ASEAN”.

Trong những ngày diễn ra sự kiện, 10 đại biểu Việt Nam luôn thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong các hoạt động. Các bạn trẻ Việt đã cùng tham dự các buổi tọa đàm, lắng nghe sự chia sẻ kinh nghiệm từ các bài diễn thuyết của nhiều diễn giả, giáo sư, chuyên gia kinh tế nổi tiếng trên thế giới.

Các diễn giả tiêu biểu có thể kể đến tại Hội nghị là: ông Asher Hasan đến từ Pakistan – Chủ doanh nghiệp xã hội NAYA JEEVAN (nghĩa tiếng Việt là “Cuộc sống mới”) nổi tiếng Châu Á về chăm sóc sức khỏe; Giáo sư Kinh tế học Dean Karlan đến từ Đại học Yale (Mỹ); nữ Giám đốc Truyền thông và hợp tác Jaya Myler đến từ Singapore; Giám đốc điều hành Christoffer Erichsen của tập đoàn Scope chuyên về thiết kế, tư vấn và cải tiến xã hội tại Kuala Lumpur (Malaysia)…

Đặc biệt, nhiều ý kiến của đoàn Việt Nam được các nước bạn ủng hộ, nhiệt tình ghi nhận và đánh giá cao. Không chỉ những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa các nước ASEAN mà ngay cả những mối quan tâm chung của ASEAN về việc tạo dựng và phát triển các doanh nghiệp xã hội đã được đoàn Việt Nam thảo luận với đại biểu các quốc gia khác như hình tượng của doanh nghiệp xã hội; các mô hình doanh nghiệp xã hội; khởi sự doanh nghiệp xã hội; tạo lập doanh nghiệp để hướng đến các nhu cầu xã hội, quảng bá các doanh nghiệp xã hội một cách hữu hiệu…

Một bạn nữ có nickname Cartoon – hiện đang làm việc cho BREAD – một doanh nghiệp xã hội chuyên cung ứng nông sản, quà tặng và thiết bị văn phòng tại Thái Lan tươi cười nói: “Các bạn trẻ Việt Nam thật thân thiện, đã cùng tôi chia sẻ các vấn đề ở tầm quốc gia và trong khu vực với những ý kiến rất hay. Tôi sẽ lên kế hoạch du lịch tại Việt Nam trong năm nay và tìm thêm các mối quan hệ hợp tác thương mại cho BREAD tại Việt Nam.”

Khi được hỏi về nhận định của mình, nam diễn giả Daniel Loy, Phó chủ tịch của Ban truyền thông và cải tiến xã hội – Cơ quan Cải tiến quốc gia Malaysia (AIM) cho biết: “ICYL 2015 giúp thanh niên ASEAN nhận thức rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.”…

“Các bạn trẻ cần hiểu và tuyên truyền đến toàn xã hội rằng nếu doanh nghiệp có thể hướng các hoạt động kinh doanh đến lợi ích của cộng đồng, đồng thời vẫn đảm bảo việc duy trì lợi tức kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ trở nên phát triển bền vững vì được mọi người xung quanh ủng hộ” – nam diễn giả này tiếp tục chia sẻ.

Bên cạnh đó, các đoàn đại biểu ASEAN đã có cơ hội tham dự chương trình  kết nối doanh nghiệp mang tên “Fix and Mix” đầy ý nghĩa, qua đó, các bạn trẻ đã chủ động làm quen và giao lưu với các đại biểu có cùng lĩnh vực công tác hay học tập, nghiên cứu, từ đó thể hiện vai trò của sức trẻ ASEAN trong việc tạo dựng các cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp xã hội các nước trong khu vực.

Tỏa sáng những sắc màu văn hóa

Trong khuôn khổ của chương trình Hội nghị, các bạn trẻ ASEAN đã được tham quan nhà hát MUD tại Kuala Lumpur có tuổi hơn 1 thế kỷ và thưởng thức vở ca kịch “Our story of Kuala Lumpur” (tạm dịch: “Lịch sử Kuala Lumpur của chúng tôi”), qua đó, lịch sử vùng đất Kuala Lumpur đã được tái hiện lại rất sinh động và làm các khán giả trở nên thêm yêu Malaysia – vùng lãnh thổ gồm 13 bang với hơn 70 sắc tộc khác nhau này.

Với  chỉ một vở diễn chưa đầy một giờ đồng hồ, các nghệ sĩ của nhà hát MUD  đã giúp các khán giả hình dung lịch sử hình thành và phát triển của thủ đô Kuala Lumpur – vùng đất tại hợp lưu hai con sông Gombak và Klang. Theo ngôn ngữ Malay, Kuala Lumpur có nghĩa là “hợp lưu sông bùn lầy”.

Chia sẻ cảm nghĩ về vở diễn này, chàng sinh viên Học viện ngoại giao 19 tuổi Hoàng Thành Nam – thành viên trẻ nhất đoàn đại biểu Việt Nam bộc bạch: “Điều thú vị nhất khi xem vở diễn này là sự duyên dáng và linh hoạt của các diễn viên trẻ. Họ thể hiện lịch sử quê hương của họ bằng tiếng Anh  qua những câu hát, lời ru và biết cách kéo khán giả cùng lên sân khấu tham gia vở diễn.”

“Vở diễn đã hoàn toàn chinh phục trái tim khán giả bởi giá trị nghệ thuật ban đầu được bảo tồn bằng kỹ thuật sân khấu, và câu chuyện kể về lịch sử đã kết nối được những cảm xúc giữa người với người của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Những tiếng hò reo và vỗ tay không ngớt sau khi vở diễn kết thúc đã nói lên tất cả.”, Nam tiếp lời.

“Quả là tuyệt vời khi được đặt chân lên đất nước Malaysia xinh đẹp và hiếu khách, đồng thời tìm hiểu về sự ra đời của thủ đô Kuala Lumpur qua những màn trình diễn của các diễn viên thiện nghệ. Chuyến đi này là dịp để mình tìm hiểu về văn hóa ASEAN nói chung và văn hóa Malaysia nói riêng để cảm nhận được sự thống nhất trong đa dạng của các nước ASEAN” – bạn Nguyễn Thị Tuyết Anh – Cán bộ văn phòng JICA – TP. HCM hồ hởi nói.

Diễn ra trong 4 ngày từ 19 đến 21/3, ICYL 2015 là Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động sôi nổi dochính phủ Malaysia xúc tiến tổ chức nhằm thúc đẩy sự phát triển của các mối quan hệ hữu nghị, giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các hoạt động giao lưu giữa thanh niên các nước ASEAN. Sự kiện trở nên rất ý nghĩa khi Malaysia chính thức nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN từ 1/1/2015.

Nguồn http://www.khoahocthoidai.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *