Bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 25/3/2014
Kỳ thi ĐH năm 2011, trường đứng đầu cả nước về số học sinh đậu ĐH có điểm cao nhất (bình quân 21,72 điểm); năm 2013 đứng thứ hai (23,19 điểm, sau Trường THPT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngôi trường này không ở Hà Nội, TP.HCM mà tại… Bình Phước.
Đó là chuyện ở Trường THPT chuyên Quang Trung (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Ngoài tỉ lệ hằng năm hơn 98% số học sinh đậu ĐH nguyện vọng 1, trường còn là nơi có số học sinh đỗ thủ khoa, á khoa, học sinh giỏi quốc gia cao nhất cả nước.
Mới thành lập 10 năm
“Giáo viên không chỉ đóng vai trò người truyền lửa, nhiệt huyết mà quan trọng là đã gieo được vào tâm hồn chúng em niềm say mê, tự giác trong học tập, khát vọng vươn lên”Em Nguyễn Đỗ Diệu Huyền(học sinh lớp 12D Trường chuyên Quang Trung) |
Góp công lớn cho sự thành công của Trường THPT chuyên Quang Trung là thầy Trần Như Ý, hiệu trưởng đầu tiên của trường, người thầy mẫu mực, đáng kính, đã ra đi năm 2008 sau cơn đau tim đột ngột.
Thầy Lý Thanh Tâm, một trong những giáo viên đầu tiên được thầy Ý mời về, bây giờ là hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quang Trung, nhớ lại: “Một ngày tháng 6-2003, anh Ý có gọi điện thoại và nói: Trường giờ nhiều việc mà chỉ có mình anh, em sắp xếp về sớm giúp anh. Khi về trường, công việc những ngày đầu là chuẩn bị phòng ở, câu điện thoại, đi thông báo tuyển sinh… Nhớ nhất vẫn là những ngày ròng rã cùng anh Ý đi thông báo tuyển sinh khắp các trường THPT trong tỉnh chỉ bằng chiếc xe gắn máy. Sau những chuyến chu du thông báo chiêu sinh trở về trường, chúng tôi bắt tay vào việc chuẩn bị, những công việc để biến một công trình xây dựng thành một ngôi trường sạch đẹp và nền nếp. Khi công trình hoàn tất các dãy phòng học, anh Ý và những thầy cô giáo cùng nhau xách nước lau tường, cầu thang, lau bảng… để các em đến học thấy sạch mới giữ gìn”.
Ngày 5-1-2004 được chọn là ngày khánh thành và khai giảng khóa đầu tiên của một ngôi trường mà chủ nhân của nó lúc ấy không có gì ngoài hai từ “tâm huyết”. Trong bài diễn văn khai giảng, thầy Ý viết ngày ấy đến giờ mọi người còn nhắc: “Dù ngôi trường này có rêu phong vì mưa nắng nhưng không thể xuống cấp vì những hành động thiếu ý thức của con người”, và: “Trong những năm đầu có thể chất lượng học tập chưa cao nhưng việc giữ gìn nề nếp và tác phong văn hóa nhất định phải làm tốt”.
Đến tận trường ĐH tuyển giáo viên
* Cô Hoàng Mỹ Phượng(giáo viên tiếng Anh Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long, cựu học sinh khóa I Trường chuyên Quang Trung):Giúp tôi lớn lên cả thể xác, trí tuệ và tâm hồnBa năm dưới mái trường Quang Trung là rất ngắn so với quãng đời con người. Tuy nhiên tôi cảm thấy ba năm ấy là giai đoạn trưởng thành quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi. Nơi đó tôi đã lớn lên cả thể xác, trí tuệ và tâm hồn. Nhiều phẩm chất văn hóa, hiện đại của một thanh niên thời hội nhập đã được hình thành ở tôi, thể hiện qua những thói quen, công việc thường ngày. Đó là niềm vui, niềm hãnh diện rất đặc trưng của học sinh Trường chuyên Quang Trung. |
Thầy Ý là người được giao trách nhiệm xây dựng Trường chuyên Quang Trung. Ngay từ ngày thành lập, thầy rất chú trọng việc xây dựng đội ngũ giáo viên. Và kể từ con số không tròn trĩnh, thầy đã tập hợp thầy cô trong tỉnh về đây. Mời thầy Tâm (nay là hiệu trưởng nhà trường) từ Trường THPT Bình Long sang, thầy Hà Văn Quyền từ Trường THPT Đồng Xoài về (nay là phó hiệu trưởng), cô Phạm Thị Oanh (nay là phó hiệu trưởng) và một số thầy cô khác như thầy Toàn, thầy Nghiêm…
Khi đã có bộ “khung” gồm những thầy cô đầy tâm huyết, thầy Ý tiếp tục bôn ba khắp cả nước để tìm kiếm, mời gọi những nhà giáo giỏi yêu nghề. Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường là thầy Ý trực tiếp đến tìm cách tuyển chọn về trường. Thầy đến ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), rồi ra ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Huế hay đến cả ĐH Thái Nguyên, Thái Bình… để xây dựng nguồn nhân lực cho trường.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Sáng (29 tuổi, quê Nghệ An, giáo viên tổ địa lý Trường chuyên Quang Trung) cho biết một ngày tháng 6-2007, hay tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm lễ tốt nghiệp, thế là thầy Ý đến trường tuyển. Thầy Sáng nói: “Ngay lần gặp đầu tiên, thầy Ý đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng vô cùng tốt đẹp. Mặc dù mới được tiếp xúc lần đầu nhưng tôi thấy thầy là người đức độ, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn, người thầy mẫu mực, đáng kính và rất tâm huyết. Sau khi biết sơ qua lý lịch, thầy Ý dặn: “Trường đang thiếu giáo viên địa lý, em sắp xếp công việc để sớm về trường dạy thử”. Một tuần sau tôi nhận được điện thoại của thầy Ý, thế là tôi khoác balô về Đồng Xoài đi tìm Trường chuyên Quang Trung. Khi đặt chân đến ngôi trường, lúc ấy tôi chỉ biết đây là trường chuyên của tỉnh Bình Phước. Thầy Ý cho tôi dạy thử ba tiết, thấy được và ký hợp đồng lao động luôn. Một năm sau tôi thành viên chức”.
Tương tự, thạc sĩ Trần Minh Hiền, một trong những giáo viên trẻ thuộc tổ toán, cũng được thầy Ý mời về. Thầy Hiền cho biết: “Thầy thuyết phục các bạn trẻ không bằng quyền lợi, bằng lương cao, bằng “ghế ngồi”, bằng đất đai mà thuyết phục họ bằng tâm huyết của chính thầy. Và kết quả là đã có nhiều bạn trẻ như tôi theo thầy về xây dựng Trường chuyên Quang Trung”. Tính đến nay tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường là 78 người, trong đó giáo viên đang giảng dạy là 59 người, gồm 15 giáo viên trình độ thạc sĩ.
Rèn tính say mê, tự giác
Công tác giáo dục học sinh ở Trường chuyên Quang Trung không chỉ do giáo viên chủ nhiệm lo mà được cả giáo viên bộ môn, giám thị, đoàn thanh niên, ban quản lý ký túc xá và cả nhân viên quan tâm. “Để đạt thành tích cao trong học tập, nhà trường luôn đề cao và tạo tính tự giác nơi học sinh. Nếu các em vi phạm, thay vì áp dụng các biện pháp hành chính thì nhà trường quản lý bằng cách “đánh” vào ý thức, lòng tự trọng, từ đó các em tự nhận ra những hạn chế và tiến bộ” – thầy Tâm nói. Phương châm của nhà trường là: mỗi thầy cô giáo hãy là một ngọn lửa để thắp sáng niềm đam mê học tập cho các em học sinh, hãy truyền cho các em bầu nhiệt huyết của mình.
Em Nguyễn Đỗ Diệu Huyền, học sinh lớp 12D, cho biết mỗi giờ lên lớp các giáo viên luôn khơi dậy tinh thần và khả năng tự học, tự trau dồi kiến thức cho học sinh. Ngay từ năm đầu (lớp 10), các giáo viên đã hướng dẫn chi tiết phương pháp học tập ở lớp, tại nhà, ở ký túc xá, tự học và học nhóm thế nào để đạt hiệu quả cao.
Các em học sinh chia sẻ: 100% học sinh của trường không học thêm bên ngoài, tất cả kiến thức đều được các em tự tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Các em cho biết thêm thầy Hà Văn Quyền, phó hiệu trưởng nhà trường, luôn khuyến khích ý thức tự giác ở học sinh. Thầy nói với các học trò: “Tự học mới là của mình”. Với phương châm đó, các học sinh đã học tập một cách nghiêm túc, hoàn toàn chủ động và thoải mái, cảm giác chính mình được làm chủ kiến thức khiến các em học tập hăng say hơn. Có lẽ vì thế mà so với các trường chuyên khác, mặc dù còn khá non trẻ nhưng trường đã giành được những thành tích đáng tự hào.
BÙI LIÊM
Không có nhân viên vệ sinh10 năm kể từ khi thành lập, Trường chuyên Quang Trung không hề thuê nhân viên vệ sinh. Những yêu cầu để đảm bảo vệ sinh trong trường như không chạm vào tường, lau dọn phòng học mỗi ngày, nhặt bất kỳ cọng rác nào xuất hiện trước mặt, cầm rác cho đến khi tìm được sọt rác… luôn được yêu cầu và thực hiện hết sức nghiêm túc. Các giáo viên xem việc cúi xuống nhặt rác trước mặt người khác là điều đáng tự hào.Ngôi trường rộng 4ha không có lấy một nhân viên vệ sinh thế mà hầu hết rác thải đều được “bốc hơi” một cách tuyệt đối. “Mắt thấy rác, tay nhặt liền” là câu nói cửa miệng của nhiều thế hệ học sinh trong trường khi nhìn thấy rác vì tình yêu với ngôi trường cũng như tiết kiệm công sức lao động của người khác.Em Nguyễn Ngọc Huyền, học sinh lớp 12D, nói: “Truyền thống giữ gìn vệ sinh “xanh sạch đẹp” là di nguyện của thầy hiệu trưởng Trần Như Ý mà biết bao thế hệ học sinh tôn kính. Em nhớ lúc sinh thời thầy Ý từng nói: Thời gian có thể làm hỏng ngôi trường nhưng không thể để nó hư hỏng bởi bàn tay con người”. |
Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/599687/truo%CC%80ng-ti%CC%89nh-le-va%CC%80o-to%CC%81p-da%CC%80u-ca%CC%89-nuo%CC%81c.html