Khi con đến Thầy đã đi rồi

Nghe lời đọc của MC Kim Anh

 Nghi thưc đón học sinh đầu cấp và “bài đồng giao” được nhắc đến trong bài viết:

Hình ảnh Thầy Như Ý về qua trường – tháng 7 năm 2008

Bài viết của em Đoàn Trúc DK6, CQT

Lần đầu tiên con vào trường không với tư cách là học sinh của trường, nhưng đó là lần đầu tiên con nhen nhóm ước muốn được học ở nơi đây. Cũng bởi vì đó là lần đầu tiên con thấy thầy – hiệu trưởng của một ngôi trường đứng đầu tỉnh – vẫn chạy một chiếc xe Citi màu đỏ cũ kĩ, áo sơ mi giản dị, quần kaki sữa bạc màu. Một niềm kính yêu dịu dàng len lỏi trong tim con, và đêm hôm ấy con đã quyết đinh nộp đơn thi tuyển.

Nhưng, cho đến ngày hôm nay, con vẫn chưa kịp gọi hai tiếng “Thầy ơi!”

Con nghe tin thầy mất khi đang đấu giải Hội khỏe Phù Đổng Toàn quốc ở Phú Thọ. Trước ngày lên đường, con đã hân hoan biết bao khi nhận được kết quả thi tuyển ngoài sức mong đợi. Nhưng niềm vui không bền, đêm đó con nghe một cô giáo trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh báo hung tin. Con bàng hoàng, cả đêm lặng lẽ ngước nhìn bầu trời. Thầy đang ngủ một giấc dài ở Hạ Long, có lẽ tất cả thầy cô trong chuyến công tác đều đang đứng xung quanh thầy, có lẽ tất cả thầy cô đều đang khóc, và có lẽ con là người gần thầy nhất so với những học sinh khác. Suy nghĩ ấy bỗng dưng làm lòng con quặn thắt, và nước mắt con trào ra (cứ như là nếu con ở xa thầy hơn một chút, ví như đang ở nhà chẳng hạn, là con sẽ kìm được lòng mình vậy). Con nghĩ mình cũng thật lạ, bởi con chưa bao giờ nói chuyện với thầy, chưa được nhìn thầy gần hơn, cũng như chẳng biết một chút gì về thầy ngoài ấn tượng của lần gặp đầu tiên. Sao trên trời sáng như ngàn giọt lệ, và trong con chậm rãi rơi từng ý nghĩ một: “khi con đến thì, thầy đã đi rồi!”

Con vẫn nhập học, vẫn đến trường. Thầy cô đã cố gắng bình thường khi lên lớp, nhưng con biết nỗi đau vẫn chưa nguôi phai, vì trong ngày khai giảng, lúc chúng con thả bong bóng lên trời và hát bài Đồng dao, nhiều thầy cô đã không ngăn được nước mắt. Có lẽ bởi vì trên sảnh chính lầu hai năm nay, đã không còn dáng thầy ngước nhìn những ước mơ nhiều màu của chúng con với ánh mắt trìu mến và đong đầy ấp ủ. Khi ấy con nghĩ rằng đó là nỗi đau thiếu vắng một người thân. Nhưng, qua 3 năm sống dưới mái trường này, con biết đó còn là một mất mát lớn, vì thầy, mãi mãi là linh hồn của khoảng trời, góc sân ấy.

Thầy là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi trường thành hình, đưa trường mình từ con số 0 tròn trĩnh, qua 5 năm trở thành một ngôi trường được nhiều người biết đến với bề dày thành tích đáng nể. Những thầy cô mà con hằng ngưỡng mộ đều do thầy chiêu mộ về bằng chính tấm lòng và tâm huyết của thầy. Thầy dạy chúng con, rằng mái trường có thể cũ đi vì rêu phong thời gian, chứ không thể nào cũ đi vì bàn tay con người. Nên, đã 9 khóa học sinh rồi mà trường mình vẫn giữ nguyên nét ban đầu, chúng con giữ gìn vệ sinh không vì nghĩa vụ, mà vì đó là truyền thống, là bản sắc, là niềm tự hào. Không tự nhiên mà học sinh trường mình gặp ai cũng cúi đầu chào, lễ phép với thầy cô, cha mẹ, thân mật với bạn bè, vui vẻ với đàn em. Vì mỗi ngày lên lớp chúng con lại thấy dòng chữ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nên luôn tâm niệm phải học làm người “hiền” trước khi trở thành người “tài”. Thầy chưa dạy chúng con một buổi nào, nhưng dẫn dắt chúng con thành người, có cả một phần tấm lòng thầy ở đó.

Thật lòng, con chẳng biết gì về thầy đâu. Nhưng những mảnh ghép con tìm được từ thầy cô và các anh chị khóa trên, những bức ảnh trong những ngày lễ kỉ niệm, đủ để con hoàn thành bức chân dung của thầy trong trái tim mình. Con hay mường tượng cảnh thầy và thầy hiệu phó cầm khăn lau từng vết bẩn trên tường khi ngôi trường mới xây, trẻ em còn vào đùa nghịch làm vấy bẩn; lúc thầy cúi xuống nhặt từng cây tăm rơi trên sân trường; hay những buổi chiều thầy mượn xe đạp của cô lao công đi một vòng quanh kí túc xá, nhìn lũ trò nhỏ chơi thể thao sau một ngày học tập căng thẳng; khi thầy vỗ vai động viên các anh chị, dành thời gian để dạy Lý cho lớp chuyên Văn… chỉ bấy nhiêu thôi cũng làm lòng con bình yên lạ. Và không riêng gì con, những ai đã lặng lẽ ngắm nhìn thầy, chắc lòng cũng ấm áp như thế, vì mỗi khi kể cho con nghe về thầy, các anh chị, thầy cô đều say sưa như đang nói về người cha của mình vậy.

Ba năm, hơn một lần con nghe mọi người nói “thật tiếc”, hơn một lần con tự nghĩ “khóa mình thật không may mắn”, vì khóa mình ghi nhận sự ra đi của một trái tim lớn. Không bao giờ con được nghe thầy nói chuyện trong những buổi chào cờ đầu tuần “hay như giáo viên dạy văn”. Không bao giờ con được nhận những lời khuyên “như cha dành cho con”. Không bao giờ con biết bàn tay thầy rộng như thế nào mà khi đặt lên vai lại có thể làm ấm cả trái tim người khác. Không bao giờ con được tự mình cảm nhận tấm lòng của thầy mà không phải qua những lời kể nữa. Thầy ra đi khi còn bao nhiều dự định dang dở, khi chưa được hưởng mùa quả ngọt do chính mình ươm mầm, chưa được thấy đội tuyển toán đạt giải quốc gia, chưa được thấy trường mình đứng vị trí thứ nhất. Nhưng chính thầy lại truyền sức mạnh để chúng con cố gắng và cố gắng hơn nữa. Trước ngày thi quan trọng, con lên phòng hiệu trưởng thắp cho thầy nén hương. Khói trầm làm mắt con cay cay. Con không nhắm mắt cầu nguyện. Con lặng ngắm di ảnh của thầy, tưởng ánh mắt ấm áp nhưng nghiêm nghị sau cặp kính dày đang nhìn thẳng vào con, xuyên qua trái tim con, nhắc nhở con về trọng trách mình đã nhận, nhưng cũng làm cho tâm hồn con thanh nhẹ để viết hết sức mình. Thầy ơi! Trường mình bây giờ đã trưởng thành rồi, đã đạt hơn cả những gì thầy mong đợi, ở trên cao xanh kia thầy có đang mỉm cười không?

Ngày khai giảng cuối cùng của con, trời mưa lớn lắm. Hôm ấy có bác Nguyễn Thiện Nhân về thăm. Mặc dù mưa lớn, nhưng học sinh toàn trường vẫn nhất quyết tổ chức lễ đúng như truyền thống của trường bấy lâu. Khi đứng dưới hàng hiên dự lễ, con vô tình ngước lên nhìn tán lá phượng, thấy một chú bướm đen có đôi cánh lớn lạ kì. Nhỏ bạn đứng bên cũng thấy, thì thầm vào tai con: “Có phải là thầy về đấy không? ”. Con chẳng trả lời, vì con cũng đang nghĩ như thế. Cánh bướm trong mưa lần đầu tiên con thấy, đẹp, và mạnh mẽ. Vẫn biết đời là vô thường, có những điều tưởng đã mất đi, nhưng thực ra vẫn còn, còn mãi. Không gặp thầy ở đây, thì ngước lên ngắt xanh trên kia để tìm một nụ cười, một hơi ấm. Lúc đó con ngộ ra rằng, thầy không ở đâu xa, thầy vẫn ở đây, dưới mái trường này, bên cạnh dòng thời gian chúng con khôn lớn, như ngày xưa thầy từng gắn bó với trường hơn cả ngôi nhà của mình, lặng lẽ và bao dung…

Chỉ còn vài ngày nữa là đến 20-11 – thời điểm để chúng con gửi lời tri ân đến thầy cô. Lòng con hân hoan được về lại trường cũ, được nói lời cảm ơn những bàn tay dìu dắt, những ánh mắt kì vọng, những sợi bạc thời gian đã vì chúng con mà bỏ quên năm tháng. Và cũng vì những hoài niệm ấy, có lẽ ai cũng sẽ như con, bồi hồi nghĩ về thầy với tất cả niềm thương nhớ.

Nên đêm nay, cho trái tim con được viết về thầy – người con chưa bao giờ được gọi hai tiếng “Thầy ơi!”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *