“Sự sống được tạo ra từ những gì còn lại của xã hội”

Cuối tháng 11 vừa qua, tại UNESCO, Hội đồng cuộc thi quốc tế Ý tưởng về Kiến trúc cho tương lai đã vinh danh hai tiếng “Việt Nam”.

Thanvien

Đội kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp đã đạt giải nhất và cũng là giải duy nhất của hạng mục Kiến trúc và các vấn đề của nước biển dâng trong cuộc thi kiến trúc cấp quốc tế tại Pháp.

Bốn thành viên gồm Nguyễn Lê Hưng, Nguyễn Bảo Thư, Trần Khánh Chi và Trần Hoàng Anh (ảnh) đã bước lên bục nhận giải thưởng trong tiếng vỗ tay của khán phòng. Con đường dẫn từ hàng ghế ngồi đến sân khấu trong thời khắc ấy với họ là kết quả của chặng đường dài vượt qua 1.700 hồ sơ dự thi đến từ 90 quốc gia.

Do Quỹ Jacques Rougerie, Institut français, Viện Đại dương Liên Chính phủ tổ chức, Cuộc thi đòi hỏi tính sáng tạo cao, kết hợp với kỹ thuật chuyên môn và cần một tầm nhìn, một sự cập nhật trong thiết kế. Cuộc thi xoay quanh ba nội dung chính: Ý tưởng cho cuộc sống trên biển trong tương lai, cuộc sống trên không gian vũ trụ và vấn đề về mực nước biển dâng. Ở mỗi nội dung chỉ chọn ra một đồ án giải nhất.

plastique20

Dự án Đảo trôi Plastiques 2.0 của đội kiến trúc sư Việt Nam bắt nguồn từ ý tưởng về một cuộc sống trên biển khi đất liền ngày một mất đi, một phần do lượng rác thải tăng, mực nước biển đang dâng. Hòn đảo nổi nhân tạo được tạo ra bằng sự tổng hợp chất thải nhựa trôi nổi trên biển, chất thải mà hiện tại được xem là mối đe doạ cho môi trường biển trong tương lai không xa, chúng còn là nỗi ám ảnh cho các nhà môi trường học, nhà đô thị học và kiến trúc sư tâm huyết.

“Sự sống được tạo ra từ những gì còn lại của xã hội” có thể nói là một ý tưởng mang tính “cách mạng”, từ những vật liệu rác thải bằng nhựa trở thành những khối lục giác đan xen nhau, ghép nối với nhau tạo thành những hòn đảo mà trên đó con người sinh sống. Có thể so sánh nó như một đám bọt biển trôi nổi, làm sạch tất cả, và cuộc sống hình thành từ đó.

Khi đoạn video của dự án được chiếu lên, toàn thể những người Việt Nam có mặt trong hội trường đã vô cùng xúc động, bởi họ hiểu rằng chính lũ lụt và thiên tai ở quê nhà là trăn trở trong sáng tác của các bạn trẻ. Khán giả có thể sẽ không nhớ được hết tên của mỗi người trong đội nhưng những gì còn lại trong họ là hình ảnh Việt Nam đã “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” từ những ý tưởng rất nhân văn của thế hệ trẻ.

Một khán giả đã chia sẻ rằng: “Trong đời tôi, có ba sự kiện ý nghĩa và quan trọng của Việt Nam, đó là khi Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được trao giải nhất cuộc thi piano quốc tế danh tiếng Frédéric Chopin; khi Giáo sư Ngô Bảo Châu được huy chương Fields toán học, và sự kiện ý nghĩa này”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *