E-Learning đối với học sinh phổ thông Việt Nam

ThS. Hồ Sỹ Anh
Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường ĐHSP Tp. HCM

Ở các nước phát triển, việc học tập bằng phương pháp E-Learning (Electronic Learning) đã trở nên phổ biến, người học có thể chủ động chọn khóa học, thời gian học thích hợp và có thể học ở bất cứ đâu, chỉ cần kết nối với Internet. Không chỉ có E-Learning, một số nước đã phát triển M-Learning (Mobile Learning) hoặc ME-Learning, kết hợp giữa M-Learning và E-Learning. Ở Việt Nam, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng CNTT, đặc biệt là kết nối Internet băng thông rộng đến tất cả các cơ sở giáo dục, đã thúc đẩy ngành GD&ĐT phát triển E-Learning ở giáo dục đại học và bắt đầu triển khai ở giáo dục phổ thông. Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến E-learning cho học sinh phổ thông, được xem là một chiến lược của GD Việt Nam trong giai đoạn mới.

I. Một số khái niệm

1) Khái niệm E-learning

E-learning là thuật ngữ mới, hiện nay, có  nhiều cách hiểu về E-learning khác nhau:

(1) E-Learning là sử dụng các công nghệ Web và Internet trong học tập (William Horton); (2) E-Learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Compare Infobase Inc);  (3) E-Learning nghĩa là việc học tập hay đào tạo được chuẩn bị, truyền tải hoặc quản lý sử dụng nhiều công cụ của công nghệ thông tin, truyền thông khác nhau và được thực hiện ở mức cục bộ hay toàn cục (MASIE Center); (4) Việc học tập được truyền tải hoặc hỗ trợ qua công nghệ điện tử. Việc truyền tải qua nhiều kĩ thuật khác nhau như Internet, TV, video tape, các hệ thống giảng dạy thông minh, và việc đào tạo dựa trên máy tính (Coputer Base Training) (Sun Microsystems, Inc)… Hiểu theo nghĩa rộng, E-learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ Internet.

Theo quan điểm hiện đại, E-learning là sự phân phát các nội dung học sử dụng các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng Internet, mạng vệ tinh, đĩa CD học liệu…; người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như: người học theo dõi bài giảng qua mạng (trực tiếp hoặc gián tiếp), e-mail, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum)…

2. Kiến trúc hệ thống E-learning

elearning_doi_voi_hs_pho_thong_vn.jpg

Quan sát trên hình vẽ, chúng ta thấy, học tập sẽ dựa trên mạng Internet là chủ yếu, thông qua World Wide Web (WWW).

Hệ thống E-Learning sẽ được tích hợp vào portal của trường học hoặc doanh nghiệp. Như vậy hệ thống E-Learning sẽ phải tương tác tốt với các hệ thống khác trong nhà trường như: hệ thống quản lý học sinh, sinh viên, hệ thống quản lý giáo viên, lịch giảng dạy… cũng như các hệ thống quản trị doanh nghiệp. Một thành phần rất quan trọng của hệ thống, đó là Hệ thống quản lý học tập (Learning Management System), gồm nhiều module khác nhau, giúp cho quá trình học tập trên mạng được dễ dàng, phát huy hết các điểm mạnh của mạng Internet, như:

– Diễn đàn để trao đổi ý kiến giữa các thành viên của một lớp.

– Module khảo sát lấy ý kiến của mọi người về một vấn đề nào đó.

– Module kiểm tra và đánh giá.

– Module chat trực tuyến.

– Module phát video và audio trực truyến.

3. Học tập theo phương pháp E-learning qua hình thức web (web-based training)

Trên thế giới cũng như ở nước ta, nhiều khóa học trực tuyến đã được tổ chức. Tùy theo mục tiêu và cấp độ đào tạo mà hình thức tổ chức lớp học trực tuyến cũng khác nhau. Tuy nhiên có điểm chung là học viên tham gia học phải được sự cho phép của tổ chức quản lý E-learning.

–  Học viên đăng ký là thành viên vào lớp và có thể: xem các thông tin về lịch học, nội dung môn học, danh sách giảng viên, trợ giảng, bạn cùng lớp…

– Truy cập vào khóa học, học viên có thể xem/tải các tài liệu, học liệu dưới dạng  HTML, PDF, DOC, SCORM; học liệu dạng SCORM (Sharable Content Object Reference Model): xem trực tiếp trên web E-learning; các tài liệu dạng PDF, HTML, PDF, DOC thông thường tải xuống máy tính cá nhân thuận tiện việc học và lưu trữ.

Sau khi học với tài liệu, học liệu được cung cấp, học viên có thể tham gia các diễn đàn để trao đổi, được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề liên quan.

– Trong quá trình học, học viên có thể (hoặc bắt buộc) làm các bài tập trắc nghiệm trực tuyến, đây có thể là các bài luyện tập hoặc bài kiểm tra, thường gặp 2 loại bài tập:

+ Sau khi làm bài, nộp bài bằng cách đăng tải (upload) một tập tin.

+ Làm bài tại chỗ bằng cách điền, đánh dấu vào 1 file (kiểm tra và đánh giá trực tuyến).

 Xem điểm, kết quả trong phần đánh giá học viên.

4. Bài giảng E-learning và Bài giảng điện tử

TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning năm 2010, một khó khăn lớn đó là khái niệm Bài giảng E-learning còn còn mới mẽ đối với giáo viên phổ thông, nhiều người chưa phân biệt giữa bài giảng điển tử (BGĐT) và bài giảng Elearning.

BGĐT là toàn bộ bài giảng, kế hoạch lên lớp được Multimedia hóa và được sử dụng cho người giáo viên lên lớp, có sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò. Trong khi đó, bài giảng E-learning là bài giảng phục vụ cho việc tự học của học sinh mà không cần đến vai trò của giáo viên giảng dạy. Như vậy để soạn một bài giảng E-learning khó hơn và tốn nhiều công sức, thời gian hơn so với soạn một BGĐT thông thường. Bên cạnh đó, để tạo ra một khóa học E-learning đòi hỏi phải có hạ tầng CNTT đủ mạnh, có đội ngũ chuyên gia công nghệ và khả năng thiết kế, tạo bài giảng E-learning của đội ngũ giáo viên.

II. E-Learning cho học sinh phổ thông của một số quốc gia

Nhiều nước trên thế giới đã triển khai mạnh mẽ E-Learning ở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và huấn luyện nhân viên ở các công ty. Những năm gần đây E-learning cũng đã và đang triển khai cho học sinh phổ thông, điển hình là các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ở Hoa Kỳ đã có hàng triệu học sinh phổ thông đăng ký học Online. Đưa lớp học lên mạng Internet là một trào lưu đang bùng nổ tại nước này. Không chỉ là một phong trào tự phát, tại nhiều bang ở Hoa Kỳ các nhà quản lý giáo dục đã ban hành quy định trước khi được công nhận tốt nghiệp, mỗi học sinh phải đăng ký học một số môn nhất định tại các lớp học trực tuyến. Các lớp học trực tuyến này có thể được tổ chức tập trung tại các trường hoặc học sinh có thể học tại nhà. Theo lý giải của các nhà quản lý, đây là bước chuẩn bị nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiếtcho việc học tại các trường đại học sau này và thích ứng với môi trường làm việc của thế kỷ 21.

Theo ước tính của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, nước này đã có khoảng 770 trường phổ thông áp dụng phương thức học trực tuyến, với khoảng 1,03 triệu học sinh (trong đó có hơn 200.000 học trực tuyến toàn phần) tính đến năm học 2007-2008. Nhưng chính Bộ Giáo dục cũng lên tiếng cảnh báo, việc học trực tuyến rất hiệu quả với sinh viên đại học, cao đẳng nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học cho thấy nó cũng tốt với các học sinh phổ thông. Tuy nhiên, E-learning là giải pháp khá phù hợp với học sinh trượt tốt nghiệp và nhóm học sinh lười. Chẳng hạn, ở Quận 13, Tokyo (Nhật Bản) có hàng chục học sinh lười học, không muốn đến trường. Phòng Giáo dục Quận đã xây dựng Website riêng để những học sinh này học ở nhà, theo hình thức “vừa học vừa chơi”.

Là một quốc gia châu Á, kinh tế của Hàn Quốc chưa phải là top ten của thế giới, nhưng giáo dục nước này đã không ngần ngại khi đầu tư cho E-learning, hàng tỷ USD mà xứ sở kim chi đầu tư cho phát triển Internet gấp 10 lần vào năm 2014. Hàn Quốc phấn đấu sẽ trở thành một tiêu điểm về xu hướng giáo dục mới để thế giới nhìn vào.

Nhiều “trường học trên mạng” (Web school) ra đời và trở thành nỗi tiếng, Megastudy là một điển hình và trở thành mạng giáo dục trực tuyến lớn nhất tại Hàn Quốc, với doanh số hàng năm lên đến 245 tỷ won (3.500 tỷ đồng Việt Nam). Lượng học sinh theo học các cấp được phân ra: trung học phổ thông (www.megastudy.net) với 2,1 triệu người ghi danh, trung học cơ sở (www.mbest.net) với 2 triệu người, tiểu học (www.mjunior.net) với 3,7 triệu người.

Chính phủ Hàn Quốc xem web như một công cụ để hạ nhiệt chi phí dạy kèm tại các trung tâm luyện thi, tái lập bình đẳng trong giáo dục. EBS, kênh truyền hình học đường của chính phủ, mở trang web cung cấp các bài giảng ôn thi đại học miễn phí, cho đến nay thu hút trên 3 triệu thành viên. Một số giáo viên, giảng viên giỏi ở Hàn Quốc cho rằng: E-learning mang lại công bằng hơn cho giáo dục, do những học sinh nghèo có thể tham gia vào khóa luyện thi của những thầy giỏi với mức học phí rất ít so với lớp luyện thi thông thường.

IV. E-Learning cho Giáo dục Việt Nam

1. Những chủ trương và giải pháp lớn.

Công nghệ thông tin đối với giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ khi bước vào thế kỷ 21. Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nêu rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội. Đặc biệt tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo“.  Thực hiện Chỉ thị trên, Bộ GD&ĐT ban hành 2 chỉ thị: Chỉ thị số 29 (năm 2001) về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục giai đoạn 2001-2005 và chỉ thị số 55 (năm 2008) về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục giai đoạn 2008-2012.

Trong những năm qua, hạ tầng CNTT trong ngành giáo dục được đầu tư mạnh mẽ, với việc hoàn thành “Mạng giáo dục – Edunet” năm 2010 (chương trình hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel), kết nối Internet băng thông rộng đến tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia được miễn phí Internet trong giáo dục. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã trang bị hạ tầng CNTT, thiết bị dạy học hiện đại và từng bước triển khai E-Learning. Một số khóa học đào tạo trực tuyến, dạy học qua mạng đã được mở ra.

Chủ trương của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn tới là tích cực triển khai các hoạt động xây dựng một xã hội học tập, mà ở đó mọi công dân (từ học sinh phổ thông, sinh viên, các tầng lớp người lao động, ..) đều có cơ hội được học tập, hướng tới việc: học bất kỳ thứ gì (any things), bất kỳ lúc nào (any time), bất kỳ nơi đâu (any where) và học tập suốt đời (life long learning). Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, E-Learning có một vai trò chủ đạo trong việc tạo ra một môi trường học tập ảo.

2. Một số hoạt động triển khai E-Learning:

– Các trường đại học, cao đẳng đã tích cức triển khai E-learning: Một số trường đại học đã tích cực triển khai hệ thống Elearning, xây dựng trung tâm học liệu mở, thư viện điện tử. Huy động nhiều nguồn lực như kinh phí các dự án, kinh phí ngân sách, kinh phí các doanh nghiệp hỗ trợ… để đầu tư hạ tầng CNT, tập huấn cho giảng viên và xây dựng hệ thống tài liệu, bài giảng phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viện.

– Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các doanh nghiệp triển khai E-Learning và thi trực tuyến.Thứ nhất, là Cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử E-learning” năm học 2009 – 2010 nằm trong khuôn khổ của chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quỹ Laurence S. Ting. Cuộc thi đã huy động được số lượng lớn giáo viên tham gia (vòng sơ khảo khoảng 3,200; vòng chung khảo 855 giáo viên). Đã có 154 bài giảng đạt giải, trong đó: Giải nhất (3), giải nhì (5), giải ba (24), giải KK (48) và quà tăng (74).Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình, Kon Tum là những địa phương đạt nhiều giải cao. Năm học 2010-2011 Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức cuộc thi nói trên, thể hiện quyết tâm triển khai E-learning đối với HS phổ thông . Thứ hai, cuộc thi giải toán qua mạng tại Website Violympic.vn, là chương trình hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với Công ty TNHH nội dung số FPT, cuộc thi đã được tổ chức năm thứ ba, là một sân chơi bổ ích, hứng thú cho hàng trăm ngàn học sinh (tiểu học, THCS) yêu thích môn toán trên toàn quốc. Thứ ba, Cuộc thi Olympic tiếng Anh (IOE) là chương trình hợp tác giữa Tổng Công ty truyền thông Đa phương tiện Việt Nam VTC với Bộ GD&ĐT. Cuộc thi đã quy tụ được hơn 4000 thí sinh là HS Tiểu học, THCS của 54 tỉnh, thành phố trong cả nước.

– Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đã tài trợ xây dựng Website luyện thi trực tuyến như:hocmai.vn, truongtructuyen.vn, Elearning của Viettel Tp HCM… xây dựng các thư viện tài liệu, bài giảng, thí nghiệm ảo, như Thuvienvatly.vn, lichsuvietnam.vn, baigiang.bachkim.vn…đã tạo ra một nguồn tài nguyên lớn về tài liệu và bài giảng điện tử.

3. Một số khó khăn khi triển khai Elearning cho học sinh phổ thông

Việc triển khai E-learning tại cho các trường phổ thông Việt Nam gặp một số khó khăn sau:

Một là, về xây dựng nguồn tài nguyên bài giảng: Chất lượng nguồn tài nguyên bài giảng E-learning là nhân tố quyết định đến số lượng người tham gia học. Để soạn bài giảng E-learning có chất lượng đòi hỏi tốn nhiều công sức của giáo viên. Hiện tại chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với công sức bỏ ra để soạn bài giảng Elearning, vì vậy chưa khuyến khích đối với giáo viên. Đời sống của giáo viên gặp nhiều khó khăn, áp lực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục… hậu quả là giáo viên không có thời gian đầu tư cho E-learning. Nhiều giáo viên giỏi về chuyên môn và khả năng sư phạm, nhưng kỹ năng sử dụng công nghệ (ghi hình, thu âm, sử dụng phần mềm)còn hạn chế, nên chưa phát huy được đội ngũ này.

Hai là, về phía người học: Học tập theo phương pháp E-Learning đòi hỏi người học phải có tinh thần tự học, do ảnh hưởng cách học thụ động truyền thống, tâm lý học phải có thầy (không thầy đố mầy làm nên), Nội dung quá tải tại trường… dẫn đến việc tham gia học E-Learning chưa trở thành động lực học tập. Nhiều học sinh nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, chưa thể trang bị máy vi tính kết nối Internet, nhiều thông tin không tốt trên mạng Internet dẫn đến gia đình lo lắng khi con em vào mạng cũng là những lý do làm hạn chế E-Learning đối với HS phổ thông Việt Nam.

Ba là,  về cơ sở vật chất: Đòi hỏi phải có hạ tầng CNTT đủ mạnh, có đường truyền cáp quang, xây dựng Website trường học và Website E-learning hoàn chỉnh chi phí cao, nếu không tận dụng hết khả năng của Web sẽ gây lãng phí.

Bốn là, về nhân lực phục vụ website E-learning  Cần có cán bộ chuyên trách phục vụ sự hoạt động của hệ thống E-learning. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại chưa có biên chế cho hoạt động này ở các trường phổ thông.

V. Đề xuất giải pháp

Trên cơ sở những kết quả bước đầu và thực trạng E-learning cho học sinh phổ thông Việt Nam, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về nhận thức, Bộ GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, các Sở Gd&ĐT cần xác định E-Learning là một chiến lược của giáo dục trong giai đoạn mới, hướng đến một xã hội học tập. Những nơi có điều kiện cần tạo ra những điển hình trong việc triển khai E-Learning, tuyên truyền nhân rộng các điển hình đó, đồng thời tuyên truyền về chủ trương triển khai E-Learning của Bộ không chỉ đối với ngành giáo dục,  mà còn đối với toàn xã hội. Bộ và Sở GD&ĐT tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong việc xây dựng các Website E-Learning đủ mạnh, ngang tầm với một số website E-Learning của các nước.

Thứ hai, tăng cường tập huấn về phương pháp, kỹ năng, sử dụng tổng hợp nhiều phần mềm để tạo bàí giảng E-Learning. Đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, giảng viên trong việc tạo bài giảng.

Thứ ba, các trường phổ thông hướng đến Online hóa trường học, bao gồm Online về quản lý, điều hành, tác nghiệp và Online về dạy và học. Website trường học phải trở thành một địa chỉ thân thiện đối với cán bộ, giáo viên, học sinh và  phụ huynh. Hướng dẫn phương pháp tự học, học nhóm, học tập và trao đổi qua mạng cho học sinh, đây là những kỹ năng cần thiết để học tập ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp sau này.

Thứ tư, qua phân tích trên cho thấy vai trò của người giáo viên rất quan trọng trong việc triển khai E-Learning, vì vậy các trường sư phạm phải là các trường thực hiện E-Learning tốt nhất. Sinh viên sư phạm ra trường không chỉ nắm được phương pháp học tập này mà còn là người có thể tạo ra bài giảng điện tử phục vụ cho giảng dạy, bài giảng E-Learning phục vụ cho tự học của học sinh.

Tài liệu tham khảo

[1] Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho sự nghiệp công nghệp hóa, hiện đại hóa.

[2] Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục giai đoạn 2008-2012.

[3] Báo cáo Tổng kết cuộc thi “Thiết kế hồ sơ bài giảng E-Learning”, Bộ GD&ĐT 12/2010.

[4] “Online hóa trường học ở Mỹ”, ICTnews, tháng 4/2011

[5]  “E-Learning ở Hàn Quốc”, Vĩnh Khang, Sài Gòn Giải phóng Online

[6] “Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp việc thực hiện E-learning tại Sở GD&ĐT”,Hồ Sĩ Anh Tuấn, Website kontum.edu.vn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *