Vòng chung khảo cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 vừa qua có 40 sản phẩm, giải pháp đoạt giải, gồm 10 giải nhất, 10 giải nhì, 10 giải ba và 10 giải khuyến khích. Trong đó, sản phẩm “Thiết bị xử lý nước ao hồ nuôi thủy sản bằng titan điôxit (Ti02) biến tính trong Nitơ” thuộc lĩnh vực kỹ thuật môi trường của nhóm tác giả: Đặng Văn Đức, Nguyễn Chính Nghĩa; sản phẩm “Góp phần nâng cao trí tuệ cảm xúc của học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung qua hoạt động các câu lạc bộ” thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi của nhóm tác giả: Nguyễn Lâm Duy Hùng, Nguyễn Xuân Mai, cùng là học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) được ban tổ chức đánh giá cao vì mang tính mới, sáng tạo, đột phá, nhiều khả năng ứng dụng trong thực tiễn.
THIẾT BỊ XỬ LÝ NƯỚC AO, HỒ ĐƠN GIẢN
Chứng kiến tình trạng nước trong các ao, hồ ngày càng ô nhiễm nặng do sử dụng hóa chất để xử lý cũng như các chất thải của con người, vật nuôi, sự phân rã của thức ăn thừa… Đặng Văn Đức, lớp 12I và Nguyễn Chính Nghĩa, lớp 11H đã nghiên cứu “Thiết bị xử lý nước ao hồ nuôi thủy sản bằng Ti02 biến tính trong Nitơ” nhằm xử lý môi trường nước đơn giản, ít tốn kém, hiệu quả cao. Nhóm tác giả cho biết, những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhưng các biện pháp xử lý nước còn nhiều hạn chế do sử dụng hóa chất không triệt để, gây độc hại, ô nhiễm môi trường, tốn kém. Khi dùng kháng sinh để ngừa bệnh cho cá có thể gây “lờn thuốc”, ảnh hưởng sức khỏe con người. Việc thay nước thường xuyên gây sốc cho cá, nguồn nước mới cấp tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh, nhiễm độc. Mặt khác, nước thải từ ao ra ngoài cũng gây ô nhiễm môi trường.
Nhóm tác giả Đặng Văn Đức (trái) và Nguyễn Chính Nghĩa (phải) cùng giáo viên hướng dẫn Nguyễn Hà Thanh Phong giới thiệu về thiết bị xử lý nước
Trong quá trình tìm hiểu, nhóm tác giả biết được Ti02 – chất sản sinh ra tác nhân ôxy hóa cực mạnh khi được chiếu sáng bởi ánh sáng thích hợp. Vật liệu này càng có hiệu quả quang ôxy hóa mạnh hơn khi được biến tính với các yếu tố hóa học khác. Ti02 biến tính là chất bột màu trắng, rất bền, không độc, thân thiện với môi trường. Dụng cụ để làm mô hình xử lý nước ao hồ thủy sản đơn giản, giá rẻ, gồm: ống nước (dài 75cm, đường kính 60cm), bóng đèn (dài 60cm), máy bơm nước mini, ballast điện tử, lưới đã phủ chế phẩm Ti02 (kích thước 30cm x 70cm). Lưới phủ chế phẩm Ti02 được cuộn tròn đặt trong ống nước có gắn bóng đèn. Khi cắm điện, nước được bơm chảy qua ống, chế phẩm Ti02 sẽ xúc tác phản ứng phân hủy các chất hữu cơ gây ô nhiễm và tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh. Theo kết quả nghiên cứu, nếu bật máy liên tục 24 giờ sẽ xử lý được 600 lít nước. Đây chỉ là mô hình, nếu ứng dụng vào thực tiễn, thiết bị xử lý lớn hay nhỏ phải tương ứng với diện tích ao, hồ. Và thời gian xử lý tùy thuộc diện tích và thiết bị nhỏ hay lớn. Trung bình 2-3 ngày xử lý 1 lần.
Để hoàn thiện sản phẩm, nhóm tác giả thực hiện trong 3 tháng có sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Hà Thanh Phong, giáo viên môn Hóa. Nếu thành công, sản phẩm sẽ áp dụng vào thực tiễn trên quy mô rộng. Ngoài ra, còn mở ra hướng nghiên cứu cải tiến mô hình để xử lý môi trường trong chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với những tính ưu việt này, sản phẩm “Thiết bị xử lý nước ao hồ nuôi thủy sản bằng Ti02 biến tính trong Nitơ” đã giành giải nhất cuộc thi khoa học – thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 và được lựa chọn tham gia cuộc thi khoa học – kỹ thuật cấp quốc gia sắp tới.
LĨNH VỰC LẦN ĐẦU THAM DỰ VÀ GIÀNH GIẢI NHẤT
Với sản phẩm “Góp phần nâng cao trí tuệ cảm xúc của học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung qua hoạt động các câu lạc bộ” của nhóm tác giả Nguyễn Lâm Duy Hùng, Nguyễn Xuân Mai cùng lớp 12D đã xuất sắc giành giải nhất. Đây là lĩnh vực lần đầu tiên tham dự cuộc thi khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh THPT.
Nhóm tác giả Nguyễn Lâm Duy Hùng và Nguyễn Xuân Mai
Nhóm tác giả cho biết: Trí tuệ cảm xúc được hình thành trong những năm đầu của cuộc đời và tiếp tục phát triển cho đến khi trưởng thành. Tuy vậy, đây là vấn đề mới, phức tạp nên chưa được nghiên cứu nhiều. Đặc biệt, vấn đề trí tuệ cảm xúc của học sinh các trường THPT trên địa bàn chưa được ai nghiên cứu. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, trí tuệ cảm xúc là chìa khóa quan trọng của cá nhân trong việc đạt được thành tích xuất sắc trong học thuật và sự nghiệp. Trí tuệ cảm xúc chịu tác động chủ yếu của 3 nhân tố: Di truyền, môi trường giáo dục, yếu tố chủ thể. Không giống như IQ, trí tuệ cảm xúc càng sắc sảo theo thời gian và dễ thay đổi. Vì thế, cá nhân tích cực luyện tập thì có thể nâng cao trí tuệ cảm xúc bản thân. Thực tế, nhiều năm qua, Trường THPT chuyên Quang Trung đã có nhiều mô hình hoạt động được triển khai hiệu quả nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nói chung và phát triển trí tuệ cảm xúc nói riêng.
Dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Kim Phụng, giáo viên môn Địa, trong 5 tháng nghiên cứu nhóm tác giả đã trực tiếp khảo sát 500 học sinh thuộc các đối tượng: Tham gia các câu lạc bộ (CLB) gồm công tác xã hội, tiếng Anh, truyền thông, karatedo, văn nghệ và không tham gia CLB của Trường THPT chuyên Quang Trung cùng một số trường THPT trên địa bàn. Kết quả khảo sát cho thấy, những học sinh không tham gia CLB, trí tuệ cảm xúc ở mức 41,2%, tham gia CLB trí tuệ cảm xúc ở mức 62,4%; thời gian tham gia CLB càng nhiều thì trí tuệ cảm xúc càng lớn và học sinh tham gia CLB đạt nhiều thành công trong học tập, rèn luyện hơn học sinh không tham gia.Thành công của đề tài có thể xem xét nhân rộng hoạt động CLB ra các trường THPT và đây là mô hình phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay. Vì vậy, Trường THPT chuyên Quang Trung tạo cơ sở để kiện toàn lại tổ chức hoạt động các CLB, thu hút nhiều đối tượng tham gia, qua đó góp phần nâng cao trí tuệ cảm xúc và tạo ra những thế hệ học sinh “vừa hồng vừa chuyên”.
Hồng Hạnh (Nguồn báo Bình Phước)