Ngành nghề của chúng ta

(thư của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

“Kính thưa các cô giáo, thầy giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục

Ngày 8/4/2021, tôi vinh dự được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là một vinh dự to lớn đối với tôi, nhiệm vụ này rất nặng nề, nhiều áp lực, nhiều khó khăn thách thức. Những suy nghĩ và trăn trở đầu tiên của rôi sau khi nhận nhiệm vụ là suy nghĩ về nghề và sự nghiệp của nhà giáo chúng ta.

Ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn. Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng và tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng.

Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, mong đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề, nhưng chúng ta có rất nhiều thuận lợi, toàn ngành đã làm được rất nhiều việc lớn trong năm qua. Đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và chỉ hướng đã thật rõ ràng, vấn đề là cách làm.

Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức, tập hợp trí tuệ, đồng tâm hiệp lực để làm cho giáo dục ngày càng tốt thêm lên. Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy, đổi mới phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, căn cứ từ thực tiễn, giải những bài toán từ thực tiễn để chất lượng giáo dục ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay theo một định hướng mang tính chiến lược.

Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta.

Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề, yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo tôn nghiêm thêm.

Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng, phẩm chất, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng.

Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta.

Cả ở tầng nguyên lý lẫn thực tiễn, cuộc sống luôn công bằng, nếu chất lượng giáo dục nâng cao thêm, người học thấy hạnh phúc, thông tin tới xã hội đầy đủ, quản trị hiệu quả và với tinh thần cống hiến… niềm tin của xã hội với ngành và nghề của chúng ta chắc chắn sẽ tăng theo.

Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới của chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh, học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có vị thế xứng đáng trong xã hội.

Tôi có niềm tin không gì lay chuyển vào đội ngũ nhà giáo, giáo chức. Tôi tin các ngành, các lực lượng xã hội sẽ trân trọng và đồng hành, vốn đã vậy giờ vẫn sẽ thế…

Về phía cá nhân, là một nhà giáo, nhà quản lý, tôi sẽ làm hết sức vì ngành và phát triển ngành. Rất mong toàn thể nhà giáo, người lao động, nhà quản lý trong và ngoài ngành chung sức ủng hộ.

Chúng ta cùng chung tay ngay bây giờ, từ lúc này. Trồng người là vì cả trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt cho mai sau, nhưng ngay ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây chắc khỏe và cành lá xanh tươi.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *